Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Tiến độ giải ngân thấp trong khi doanh nghiệp khát tiền, ngân hàng dư tiền

PV | 14:47 13/03/2024

Trước việc gói 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm, doanh nghiệp bất động sản đề xuất Nhà nước cần giao đất sạch cho dự án và hạ lãi suất vốn vay.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Tiến độ giải ngân thấp trong khi doanh nghiệp khát tiền, ngân hàng dư tiền
Gói 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 7.000 tỷ đồng. (Ảnh: Int)

Tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư vừa mới diễn ra, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội là nguồn vốn của các ngân hàng thương mại nên quan điểm cho vay, giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ và hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.

Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó có 10 dự án đã có nhu cầu giải ngân, bao gồm: 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 dự án trên là 1.965 tỷ đồng, đã được giải ngân 640 tỷ đồng và cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.

Nói về những khó khăn khi vay gói 120.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cho biết, tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án nhà ở xã hội rất ít, quá trình thực hiện lại quá dài. Do đó, để có thể giải ngân nhanh nguồn vốn 120.000 tỷ đồng thì các địa phương cần giao đất sạch cho dự án thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội để doanh nghiệp thực hiện đầu tư.

Hiện thủ tục vay vốn đang rất lâu vì phải trải qua quá trình thẩm định hiệu quả của dự án. Do đó, ông Nguyễn Tuấn Anh đề xuất nên bỏ qua quá trình này bởi đã là phát triển nhà ở xã hội thì dự án có hiệu quả, quy định rất rõ chủ đầu tư được 10% lợi nhuận trên tổng chi phí của dự án.

Nhìn nhận một cách thực tế hơn, đại diện Công ty cổ phần Đức Mạnh tại Đà Nẵng chỉ rõ thực trạng có cung thì mới có cầu, các thủ tục hành chính để xây và mua nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc. Lãi suất cho vay của gói 120.000 tỷ đồng còn cao. Bởi, hiện mức lãi suất cho vay bình thường từ 8-9%, nhưng lãi suất của gói vay 120.000 tỷ đồng từ 7 -8,2%. Mức lãi suất này chênh lệch không lớn với mức lãi suất thông thường, do đó ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất xuống thấp hơn nữa để doanh nghiệp mặn mà với việc vay vốn.

Trong khi đó, đại diện các ngân hàng thương mại cho biết, khó khăn trong giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV khẳng định, ngân hàng này rất muốn cho vay, luôn tìm kiếm và tiếp cận khách hàng để có thể giải ngân. Với riêng gói 120.000 tỷ đồng, ngay khi NHNN có văn bản chỉ đạo, BIDV đã triển khai đến các chi nhánh nhưng còn nhiều thủ tục vấn đề cần giải quyết nên đến nay mới tiến cập 8 dự án, phê duyệt 4 dự án với tổng dư nợ gần 1.000 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân hơn 96 tỷ đồng.

Là ngân hàng tư nhân duy nhất đăng ký một gói 5.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho rằng cơ quan quản lý nên xem xét giảm lãi suất. Ông dẫn chứng, gói 30.000 tỷ trước đây, lãi suất 5%, phù hợp với khả năng trả nợ gốc và trả lãi của người dân. Tuy nhiên, với mức lãi suất của gói 120.000 tỷ đồng hiện nay là 7,5-8%/năm là khá cao.

“Theo tôi cần có thêm một số hình thức hỗ trợ khác. Chẳng hạn, gói hỗ trợ lãi suất 2% đang “ế”, Chính phủ cho phép chuyển đổi phần lãi suất đó sang hỗ trợ người vay mua nhà, lãi suất có thể giảm xuống còn 5,5%/năm thì trong khả năng trả nợ của rất nhiều người dân”, Tổng giám đốc TPBank nói.

Với ý kiến đề nghị không cần thẩm định hồ sơ để rút ngắn thời gian triển khai vốn, ông Hưng cho rằng "đây là yêu cầu bắt buộc, quy định pháp luật phải thực hiện chứ không có chuyện là bỏ qua".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Tiến độ giải ngân thấp trong khi doanh nghiệp khát tiền, ngân hàng dư tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO