Nằm một mình một chỗ, quốc gia này có "vận may trời ban" với thứ nhiên liệu “bẩn nhất thế giới” nhưng khi gió đổi chiều, ngay lập tức có "ngôi sao" khác thế chân

Yến Nguyễn | 20:02 16/12/2023

Úc là một trong những nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới nhưng cũng nắm giữ vị thế quan trong trong lĩnh vực năng lượng xanh bởi lượng tài nguyên khổng lồ cho ngành pin.

Nằm một mình một chỗ, quốc gia này có "vận may trời ban" với thứ nhiên liệu “bẩn nhất thế giới” nhưng khi gió đổi chiều, ngay lập tức có "ngôi sao" khác thế chân

Úc được mệnh danh là “quốc gia may mắn”, một phần nhờ trữ lượng than và khí đốt tự nhiên dồi dào. Do đó, một tương lai không sử dụng nhiên liệu hóa thạch – tầm nhìn đặt ra tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 ở Dubai vừa rồi – sẽ đặt ra một thách thức đáng kể đối với mô hình tăng trưởng của nước này.

Một số cổ phiếu năng lượng chính tại Úc đã bị ảnh hưởng vài ngày trước: Cổ phiếu của Yancoal Australia và Whitehaven Coal đều giảm khoảng 2%.

Đã có gần 200 chính phủ ký vào tuyên bố COP28 về một thỏa thuận khí hậu của Liên Hợp Quốc – lần đầu tiên kêu gọi loại bỏ tất cả các nhiên liệu hóa thạch.

Việc thực hiện chính xác như thế nào vẫn còn tùy thuộc vào từng chính phủ và cũng chưa có mốc thời gian cụ thể được đặt ra. Nhiên liệu hóa thạch sẽ vẫn còn tồn tại trong một thời gian nữa, đặc biệt là vì thỏa thuận cũng để cập đến việc cắt giảm đốt nhiên liệu hóa thạch và thu giữ, lưu trữ tất cả lượng carbon thải ra trong quá trình này. Mặc dù vậy, thỏa thuận này có thể sẽ khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo và các giải pháp thay thế khác như hạt nhân.

Vì vậy, điều này cũng có thể dẫn đến một tương lai rất khác đối với Australia – một trong những nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới. Theo Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên, Úc đã thu về 170 tỷ USD từ xuất khẩu các mặt hàng năng lượng, chủ yếu là than đá và khí đốt tự nhiên hóa lỏng vào năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu than tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Những hoạt động xuất khẩu này sẽ không biến mất chỉ sau một đêm. Nhưng nếu các quốc gia khác thực hiện nghiêm túc các cam kết về khí hậu của mình thì tác động trung hạn thực sự có thể rất lớn. Đặc biệt, nhu cầu lớn về than của Trung Quốc đóng vai trò lớn trong cơ cấu cho giá than ở châu Á. Tuy nhiên, mọi thứ đang bắt đầu thay đổi nhanh chóng. Trung Quốc, quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới, đang ồ ạt tăng cường công suất năng lượng gió và mặt trời và nhanh chóng chuyển đổi sang xe điện.

May mắn thay, Úc cũng có nguồn cung dồi dào khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo công ty tư vấn McKinsey, cho đến nay, quốc gia này là nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới, chiếm gần một nửa sản lượng khai thác toàn cầu vào năm 2022. Hầu như toàn bộ lượng lithium xuất khẩu của nước này đều sang Trung Quốc. Doanh thu xuất khẩu lithium đã tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6, với khối lượng xuất khẩu tăng 46%. Với giá trị 20 tỷ đô la Úc (13,4 tỷ USD), xuất khẩu lithium vẫn nhỏ hơn nhiều so với than đá của Úc..

Theo Wall Street Journal, Úc vẫn cần phải hành động nhiều hơn nữa để có được vị thế tốt hơn cho một tương lai công nghệ sạch và giảm thiểu một số rủi ro mới bắt nguồn từ quá trình chuyển đổi.

Nguồn: WSJ


(0) Bình luận
Nằm một mình một chỗ, quốc gia này có "vận may trời ban" với thứ nhiên liệu “bẩn nhất thế giới” nhưng khi gió đổi chiều, ngay lập tức có "ngôi sao" khác thế chân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO