Nắm lượng tài nguyên gấp 10 lần Úc, 20 lần Mỹ, láng giềng Việt Nam phát hiện thêm 5 triệu tấn nhờ công nghệ cao, chiếm ưu thế tuyệt đối nguồn cung dù nhiều nước muốn giảm phụ thuộc

Minh Tiến | 17:25 17/09/2024

Theo South China Morning Post, Trung Quốc phát hiện thêm 4,96 triệu tấn đất hiếm.

Nắm lượng tài nguyên gấp 10 lần Úc, 20 lần Mỹ, láng giềng Việt Nam phát hiện thêm 5 triệu tấn nhờ công nghệ cao, chiếm ưu thế tuyệt đối nguồn cung dù nhiều nước muốn giảm phụ thuộc

Các chuyên gia về đất hiếm đã phát biểu tại một hội nghị chuyên đề do Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc tổ chức vào tuần trước rằng, 4,96 triệu tấn đất hiếm - nguyên tố đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghệ, từ xe điện đến tua-bin gió, rô-bốt và vũ khí quân sự - đã được tìm thấy tại châu tự trị Lương Sơn Di, một trong những khu vực nghèo nhất ở Trung Quốc.

Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Trung Quốc là quốc gia sản xuất các nguyên tố đất hiếm hàng đầu thế giới, bao gồm 17 loại oxit kim loại, với trữ lượng 44 triệu tấn, gấp đôi trữ lượng Việt Nam (22 triệu tấn), gấp khoảng 10 lần Úc (4,2 triệu tấn), gấp khoảng 20 lần Mỹ (2,3 triệu tấn).

“Trước tình hình hiện nay, tập đoàn sẽ luôn quan tâm đến lợi ích của quốc gia, đưa ra những đóng góp mới và đáng kể cho việc bảo vệ an ninh tài nguyên đất hiếm của Trung Quốc”, Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố trên trang web chính thức của mình.

Hiện nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã hạn chế nguồn cung và xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm, vốn được Bộ An ninh Nhà nước xác định là nguồn tài nguyên khoáng sản chiến lược có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia vào đầu năm nay.

Thực tế, Trung Quốc là quốc gia chiếm ưu thế trong nguồn cung đất hiếm toàn cầu. Nhiều nước trên thế giới hiện đang tìm cách hạn chế phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Điển hình như Mỹ, nỗ lực hồi sinh mỏ đất hiếm Mountain Pass nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, theo tuyên bố của Công ty MP Materials, chủ sở hữu mỏ Mountain Pass.

Không chỉ vây, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 60% đất hiếm từ Trung Quốc, cũng đang tìm cách giảm phụ thuộc nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Nhật Bản đang phải tìm kiếm đất hiếm từ Australia và một số nước và cố gắng khác khai thác lượng lớn đất hiếm dưới đáy biển để thực hiện mục tiêu của mình.

Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết, Trung Quốc chiếm từ 80 – 90% sản lượng đất hiếm toàn cầu vào đầu những năm 2010, nhưng nay giảm xuống còn khoảng 70% vào năm 2023 trong bối cảnh nguồn cung đất hiếm trên toàn cầu tăng lên.

Theo số liệu hải quan, trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 38.755 tấn, trong khi giá trị xuất khẩu giảm 40,2% xuống còn 341,2 triệu đô la Mỹ.

Pan Helin, một nhà kinh tế và cố vấn của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cho biết, phát hiện ở Tứ Xuyên sẽ tăng cường lợi thế về tài nguyên của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm toàn cầu. Pan cho biết: “Trong khi việc củng cố lợi thế về tài nguyên là rất quan trọng, ngành công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc cũng phải mở rộng sang các lĩnh vực hạ nguồn, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và nâng cao lợi thế công nghệ của doanh nghiệp”.

Về công nghệ khai thăm dò, khai thác quặng, Trung Quốc hiện có công nghệ tối tân hàng đầu thế giới. Cụ thể, Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo trong toàn bộ quá trình thăm dò và khai thác tài nguyên. Trung Quốc đã sử dụng công nghệ máy dò AI trên giàn khoan để thăm dò khoáng sản, kết hợp cùng hệ thống GPS và các thiết bị có kết nối không dây để giám sát.

Công nghệ máy dò AI giúp thu thập dữ liệu thời gian thực. Nhiều mỏ khoáng sản đòi hỏi các kỹ sư phải dành nhiều thời gian để xác định các thông số khối đá và bề mặt khớp khối đá. Bằng cách cài đặt máy dò AI trên giàn khoan, việc xác định các loại khoáng sản và cấu trúc khối đá theo thời gian thực có thể giúp đẩy nhanh thời gian đưa ra quyết định từ giai đoạn thăm dò đến giai đoạn khai thác.

Cùng với đó, phân tích hình ảnh vệ tinh, chụp ảnh trên không, bản đồ địa vật lý và dữ liệu giám sát máy bay không người lái thông qua công nghệ AI có thể dự đoán tốt hơn hoạt động thăm dò khoáng sản cũng như khả năng xuất hiện và hình dạng của các thân quặng.

Ngoài ra, Trung Quốc áp dụng công nghệ thị giác AI vào quy trình khai thác, chế biến đất hiếm. Công nghệ này giúp kiểm tra chất lượng, từ đó tăng gấp đôi năng suất. Hiện nay, Trung Quốc vẫn đặt ra nhiệm vụ của ngành đất hiếm là thúc đẩy sự tích hợp sâu giữa AI vào chế biến công nghiệ . Trong tương lai, “AI + đất hiếm” sẽ không chỉ là sự kết hợp của nhiều điểm, mà sẽ tích hợp toàn diện vào mọi khía cạnh của ngành, từ thiết bị, sản phẩm, quy trình sản xuất đến quản lý và dịch vụ.


(0) Bình luận
Nắm lượng tài nguyên gấp 10 lần Úc, 20 lần Mỹ, láng giềng Việt Nam phát hiện thêm 5 triệu tấn nhờ công nghệ cao, chiếm ưu thế tuyệt đối nguồn cung dù nhiều nước muốn giảm phụ thuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO