Nắm giữ mỏ đồng khổng lồ với trữ lượng đủ sản xuất 275 triệu chiếc xe điện, Mỹ vẫn bất lực trong việc khai thác vì lý do khó tin

Như Quỳnh | 08:49 17/09/2022

Một mỏ đồng của Mỹ với trữ lượng lên tới 18 triệu tấn đồng, số lượng đủ để sản xuất 275 triệu chiếc xe điện đang vấp phải làn sóng phản đối khai thác bởi nằm ở những khu vực được các bộ tộc địa phương đặc biệt trân quý và liên quan đến những giá trị văn hoá.

Nắm giữ mỏ đồng khổng lồ với trữ lượng đủ sản xuất 275 triệu chiếc xe điện, Mỹ vẫn bất lực trong việc khai thác vì lý do khó tin
Ảnh minh hoạ

Nằm sâu bên dưới các dòng suối và hẻm núi của sa mạc Sonoran là một trong những mỏ đồng lớn nhất trên trái đất, với trữ lượng lên đến 18 triệu tấn. Đây là một con số khủng đủ để cung cấp kim loại cho một nửa số xe điện sẽ được sản xuất ở Mỹ trong những thập kỉ tới. Tuy nhiên vùng đất khô cằn phía bên trên khu vực này là nơi sẽ diễn ra lễ Mặt trời mọc của dân tộc Apache,một nhóm các bộ lạc thổ dân Bắc Mỹ. Đây là một nghi thức kéo dài trong vòng 4 ngày và tại lễ hội này, các thiếu nữ sẽ nhảy múa và ca hát để đánh dấu tuổi trưởng thành của mình.

Ông Wendsler Nosie, một nhà lãnh đạo người Apache đang phản đối các nỗ lực khai thác đồng, cho biết: “Khu mỏ này đã trở thành một phần không thể thiếu của chúng tôi kể từ khi nó được tạo ra.”

Kể từ năm 2008, công ty khai thác mỏ khổng lồ Rio Tinto đã tiến hành đào các đường hầm trong khu vực, nằm trong vùng đất xấu cách Phoenix khoảng 60 dặm về phía đông. Nhưng bất chấp những nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm đảm bảo nguồn cung kim loại cần thiết cho việc chuyển đổi sang xe điện, dự án vẫn bị đình trệ.

306960711_408501684567002_8677527344155950579_n.jpg
Quang cảnh bên trong khu mỏ. Nguồn: Bloomberg

Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ vào năm ngoái đã đình chỉ một thỏa thuận trong đó Rio Tinto sẽ đổi phần đất mà họ sở hữu gần đó lấy một khu vực phía trên khu mỏ được người Apache coi là vùng đất linh thiêng.

Sự chậm trễ khai thác làm nổi bật những nguy cơ mà chính quyền phải đối mặt khi họ tìm cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn: Các nguyên liệu thô cần thiết cho xe điện, tuabin gió và tấm pin mặt trời thường đến từ những nơi mà các nhà môi trường và các bên liên quan địa phương yêu quý, và việc khai thác chúng là điều chắc chắn sẽ động chạm đến những người khác và khó nhận được sự đồng thuận.

Trong khi phần lớn sự chú ý tập trung vào lithium - một thành phần quan trọng trong pin xe điện thì đồng cũng là kim loại rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh hơn. Một chiếc ô tô chạy bằng xăng thông thường sử dụng khoảng 65 pound (29,5 kg) đồng cho hệ thống dây điện và thiết bị điện tử, tuy nhiên một chiếc xe điện lại yêu cầu số lượng đồng gấp đôi. Goldman Sachs dự đoán nhu cầu đồng toàn cầu sẽ bắt đầu vượt xa nguồn cung vào năm 2025, đẩy giá lên cao gấp đôi mức hiện tại.

306630660_411690324407063_3637487921288831279_n.jpg
Đồng là nguyên liệu rất quan trọng trong sản xuất xe điện. Đồ hoạ: Bloomberg

Ông Bart Melek, chiến lược gia hàng hóa hàng đầu tại Toronto Dominion Bank cho biết: “Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh luôn bắt đầu và kết thúc với kim loại. nếu khhông có đồng, chúng ta sẽ không thể làm gì.”

Trên toàn cầu, xe điện được dự báo sẽ chiếm 2/5 doanh số bán xe du lịch vào năm 2030, tăng mạnh so với mức chưa đầy 9% của năm 2021. Hiện nay Trung Quốc đã dẫn đầu trong việc thực hiện mục tiêu đó khi sản xuất đến 40% ô tô điện và hơn một nửa số pin xe điện của thế giới vào năm 2021. Nhận thấy tiềm năng lớn từ thị trường này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng Mỹ có thể vượt qua Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi năng lượng và trợ cấp cho các công ty xe điện và sản xuất pin xe điện nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Ông Andrew Lye, một nhà địa chất học người Úc, là quản lý của công ty Rio Tinto tại dự án khai thác mỏ đồng cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang ở trong một tình thế quá khó. Làm thế nào để bạn bảo tồn văn hóa nhưng cũng thúc đẩy an ninh chuỗi cung ứng và đảm bảo rằng bắt kịp với Nga và Trung Quốc?”

Lye dành một vài ngày mỗi tuần để đi du lịch giữa Arizona và Washington, gặp gỡ với các chính trị gia trong nước và khu vực và nói chuyện với cộng đồng và các nhóm kinh doanh. Một phần lớn công việc của anh là trấn an người dân địa phương rằng công ty sẽ tính đến nhu cầu của họ. Hai năm trước, công ty đã tiến hành cho nổ một khu di sản 40.000 năm tuổi ở Úc để mở rộng một mỏ sắt, khiến các nhóm người bản địa phản ứng dữ dội.

Cơ quan Lâm nghiệp cuối cùng sẽ đưa ra quyết định về việc hoán đổi đất. Trong khi các thành viên của phái đoàn quốc hội Arizona đã ủng hộ thỏa thuận này thì Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của Vermont và một số thành viên khác của Quốc hội đã tìm cách ngăn cản với lý do lo ngại về môi trường và quyền của người Mỹ bản địa. Họ cho rằng ông Biden có thể trì hoãn bất kỳ quyết định nào cho đến sau cuộc bầu cử vào tháng 11.

Mỹ đã sản xuất 1,2 triệu tấn đồng hàng năm, mỏ lớn nhất tại Mỹ là mỏ Morenci ở Arizona đã hoạt động từ năm 1939. Vào năm ngoái, sản lượng của mỏ này đã giảm 10%, xuống còn khoảng 400.000 tấn và có khả năng sẽ hết tuổi thọ vào khoảng những năm 2040. Nếu mỏ mà Rio đang khai thác đạt được sản lượng mà Rio Tinto dự đoán với con số khoảng 450.000 tấn mỗi năm,  điều này có nghĩa nó có thể tăng sản lượng của Mỹ lên 40% và cung cấp cho các nhà sản xuất Mỹ nguồn kim loại chắc chắn cho việc sản xuất xe điện trong khi Trung Quốc sẽ phải lùng sục khắp thế giới để bắt kịp.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, ngay cả khi việc hoán đổi đất được thông qua ngay lập tức, mỏ sẽ không đạt sản lượng đầy đủ trong ít nhất một thập kỷ bởi dự án vẫn cần nhiều loại giấy phép từ địa phương và mất nhiều năm xây dựng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nắm giữ mỏ đồng khổng lồ với trữ lượng đủ sản xuất 275 triệu chiếc xe điện, Mỹ vẫn bất lực trong việc khai thác vì lý do khó tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO