Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm trong 11 tháng đầu năm đã mang về gần 3,6 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tín hiệu mừng của ngành tôm kể từ đầu năm nay là xuất khẩu sang các thị trường chủ đạo đều tăng trưởng 2 chữ số.
Cụ thể, Trung Quốc và Hong Kong đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với hơn 761 triệu USD, tăng mạnh 34% so với 11T/2023. Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Mỹ đứng thứ 2 với kim ngạch đạt hơn 702 triệu USD kể từ đầu năm, tăng 10% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 11 xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt hơn 55 triệu USD, tăng 9% so với tháng 11/2023. Giá tôm bán buôn tại Mỹ đang chứng kiến mức tăng mạnh trong tuần thứ 2 của tháng 12. Nguyên nhân có thể do lo ngại về việc vận chuyển và chi phí nói chung cao hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Nhu cầu mua sắm và tiêu thụ trong kỳ nghỉ tại Mỹ được dự kiến tăng trưởng tích cực.
Ngoài ra xuất khẩu tôm sang Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc ghi nhận tăng trưởng 1 con số. Giá tôm xuất khẩu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tôm chân trắng, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Các sản phẩm tôm chế biến đang có sự phát triển mạnh mẽ, là tín hiệu tích cực, cho thấy doanh nghiệp đang chuyển hướng sang sản phẩm giá trị gia tăng. Theo đánh giá từ Cục Thủy sản, trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp tôm Việt thuộc cấp độ cao nhất trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh lớn.
Các sản phẩm tôm giá trị gia tăng nổi bật của Việt Nam có thể kể đến như tôm bao bột, tôm chiên, tôm tẩm gia vị, tôm xẻ bướm, tôm xiên que, tôm tempura, tôm nobashi, há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, tôm thẻ thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh, tôm thẻ xiên que đông lạnh…
Tuy nhiên VASEP đánh giá ngành hàng tôm Việt Nam vẫn có những thách thức nội tại cần sớm vượt qua để có sự tăng trưởng bền vững. Cụ thể, tôm Việt Nam cần nâng cao chất lượng và giảm chi phí để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong đó, cần nâng cao các vấn đề về kiểm dịch chất lượng con giống, mùa vụ, mật độ nuôi, quản lý dịch bệnh, giảm giá thành sản xuất và dự báo tình hình tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu. Từ đó góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị xuất khẩu con tôm và thu nhập cho người nuôi tôm.
Ngoài ra, người nuôi cần nắm bắt được xu hướng chuyển đổi đối tượng nuôi; xu hướng nuôi tôm công nghệ cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững; xu hướng phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Đặc biệt là sự liên kết sản xuất theo chuỗi ngành gắn với các tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu thị trường.
Dự báo cả năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ đạt 4 tỷ USD. Trên thị trường thế giới, sản lượng tôm toàn cầu cũng sẽ phục hồi vào cuối năm 2024 và ổn định vào năm 2025.