Mỹ, Campuchia liên tục săn lùng một mỏ vàng mới nổi của Việt Nam: Gần 300 nhà máy tham gia sản xuất, nước ta có sản lượng 20 triệu tấn mỗi năm

Như Quỳnh | 22:09 08/02/2025

Mặt hàng này đã thu về hơn 1 tỷ USD trong năm 2024.

Mỹ, Campuchia liên tục săn lùng một mỏ vàng mới nổi của Việt Nam: Gần 300 nhà máy tham gia sản xuất, nước ta có sản lượng 20 triệu tấn mỗi năm
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2024, xuất khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu của nước ta đã thu về hơn 96 triệu USD, tăng 4,2% so với tháng trước đó.

Lũy kế trong cả năm 2024, nhóm thức ăn gia súc và nguyên liệu đã chính thức gia nhập câu lạc bộ tỷ đô với 1,04 tỷ USD, tuy nhiên giảm 13,2% so với năm 2023. 

Xét về thị trường, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam với tỷ trọng 40,8%. Tổng kết năm 2024, nước ta xuất sang láng giềng hơn 423 triệu USD, giảm 26,7% so với năm 2023.

3-nha-nhap-khau-thuc-an-gia-suc-va-nguyen-lieu-lon-nhat-cua-viet-nam-nam-2024.png

Vị trí thứ 2 là Mỹ với hơn 129 triệu USD, tăng mạnh 43% so với năm trước và chiếm tỷ trọng 13%. Theo sau là Campuchia với hơn 126 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ và chiếm 12,2% thị phần. 

Thức ăn chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam. Thực tế Việt Nam đang có đàn lợn đứng thứ 5 thế giới về đầu con, thứ 6 về sản lượng. Bên cạnh đó, đàn gia cầm cũng đứng top đầu thế giới…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một năm Việt Nam cần 32 - 33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi các loại. Bên cạnh việc chi tiền (khoảng gần 3 tỷ USD) để nhập khẩu sản phẩm này, ngành hàng còn hướng đến xuất khẩu.

Hiện nay số nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng tăng trưởng mạnh cả về số lượng và công suất. Năm 2019, Việt Nam chỉ có 261 nhà máy với sản lượng sản xuất là 18,9 triệu tấn; đến năm 2023 có 294 nhà máy, sản lượng 20 triệu tấn. Trong đó doanh nghiêp FDI chiếm khoảng 60%, trong nước khoảng 40% về sản lượng sản xuất.

Theo VIRAC - một đơn vị nghiên cứu thị trường đánh giá thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Các ông lớn này thông qua việc sáp nhập và mua lại các nhà sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản và gia cầm trong nước và có thể kể đến những tên tuổi như Cargill Group (Mỹ), Haid (Trung Quốc), CP Group (Charoen Pokphand Group - Thái Lan), De Heus (Hà Lan), BRF (Brazil), Mavin (Pháp), Japfa (Singapore), CJ (Hàn Quốc)…

Cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ về phương thức chăn nuôi từ quy mô chăn nuôi nông hộ sang quy mô trang trại, tỷ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã không ngừng tăng lên trong thời gian qua, chiếm khoảng 75% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi, tỷ trọng thức ăn tận dụng, tự chế biến, phối trộn chỉ chiếm khoảng 25%.

Theo báo cáo “Gia súc và gia cầm” năm 2025 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng thịt lợn của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 3%, đạt 3,8 triệu tấn vào năm 2025. Triển vọng tích cực này cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu về thức ăn chăn nuôi, mở ra cơ hội phát triển cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn.

Bên cạnh đó, theo đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp dự kiến sẽ tăng trưởng và đạt 24-25 triệu tấn vào năm 2025 và 30-32 triệu tấn vào năm 2030, đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu thức ăn chăn nuôi tinh trong nước.


(0) Bình luận
Mỹ, Campuchia liên tục săn lùng một mỏ vàng mới nổi của Việt Nam: Gần 300 nhà máy tham gia sản xuất, nước ta có sản lượng 20 triệu tấn mỗi năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO