Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, trong tuần qua, thế giới và Việt Nam hết sức bất ngờ trước việc Hoa Kỳ áp mức thuế cao đối với 60 nước, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu thuế cao nhất với 46%. Khi đó hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ giảm sức cạnh tranh, giá tăng cao.
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, TP.Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế cả nước, việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế của Thành phố và những kế hoạch của Thành phố trong năm 2025.
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho rằng, việc áp thuế cao từ Mỹ sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP 8,5% của Chính phủ đặt ra cũng như tốc độ phát triển của Thành phố. Qua Hội thảo này, Thành phố mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học thảo luận và các nhà quản lý thảo luận để đưa ra các giải pháp cho Thành phố trong bối cảnh này.
"Thành phố rất cần sự đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học, doanh nghiệp, các đại biểu… đưa ra kịch bản kinh tế để Thành phố vượt qua được thách thức. Thành phố luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu cao nhất các ý kiến của đại biểu để bổ sung cho định hướng phát triển của Thành phố nhằm đạt mục tiêu đề ra", Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
Chính sách thuế mới của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến riêng TPHCM mà còn lan tỏa đến toàn vùng
Trình bày về các kịch bản tăng trưởng cho thành phố trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với Việt Nam, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, Mỹ hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, đặc biệt với các mặt hàng như điện, điện tử, gỗ, dệt may, da giày...
Trong năm 2024, TP.HCM xuất khẩu sang Mỹ đạt 7,8 tỷ USD và chỉ nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD, tạo ra mức thặng dư thương mại lên đến 4,8 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc TP.HCM sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu Mỹ áp mức thuế cao đối với hàng hóa từ Việt Nam.
"Do kinh tế TP.HCM không vận hành độc lập mà có mối liên kết chặt chẽ, cộng sinh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, chính sách thuế mới của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến riêng TP mà còn lan tỏa đến toàn vùng", ông Vũ cho hay.
Trên cơ sở đó, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đưa ra ba kịch bản tăng trưởng tương ứng với ba mức thuế khác nhau. Cụ thể, với kịch bản bi quan, ông Vũ thông tin, nếu Mỹ giữ nguyên mức thuế 46%, GDP của TP.HCM có thể giảm từ 2 - 2,5%, tốc độ tăng trưởng năm 2025 chỉ đạt khoảng 4,63 - 5,75%.
Với kịch bản trung bình, nếu Việt Nam đàm phán được và mức thuế giảm xuống còn 20 - 30%, GDP TP có thể giảm 1,6 - 1,9%, tăng trưởng đạt từ 6,23 - 7,35%.
"Đối với kịch bản lạc quan, nếu thuế giảm còn 10 - 15%, GDP giảm khoảng 1 - 1,3%, TP có thể tăng trưởng ở mức 7,37 - 8,49%, tiệm cận mục tiêu Chính phủ giao mục tiêu TP.HCM tăng trưởng kinh tế 8,5% trong năm 2025", ông Vũ phân tích.
Từ 3 kịch bản trên, TS Vũ cho rằng thành phố cần tập trung nỗ lực để đạt được ít nhất kịch bản trung bình, đồng thời phấn đấu để tiệm cận kịch bản lạc quan, thông qua các giải pháp đồng bộ và chủ động hơn trong quan hệ thương mại quốc tế.
TP.HCM cần có cách tiếp cận chủ động thay vì chỉ phản ứng thụ động với tình hình
Từ góc độ giải pháp, các chuyên gia tại hội thảo đề xuất, TPHCM cần có cách tiếp cận chủ động thay vì chỉ phản ứng thụ động với tình hình. Trước mắt, cần đẩy mạnh đàm phán song phương với Mỹ để giảm thuế, đồng thời kiểm soát nghiêm gian lận xuất xứ – vấn đề có thể làm xói mòn uy tín quốc gia nếu không xử lý triệt để. Song song đó, thành phố cần mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia có FTA như châu Âu, Canada, Mexico, UAE... nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Đồng thời, các chuyên gia nhất trí rằng, trong nguy cơ luôn tiềm ẩn cơ hội. Nếu TPHCM biết tận dụng thời điểm này để tái cơ cấu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và đẩy mạnh nội lực, thành phố không chỉ vượt qua rào cản thuế quan mà còn định hình được vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu, chủ động hơn, vững vàng hơn và ít phụ thuộc hơn.
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, trước mắt thành phố vẫn giữ nguyên kịch bản tăng trưởng năm 2025 song song với tiếp tục theo dõi, chuẩn bị, chủ động và linh hoạt các biện pháp ứng phó. Thành phố cũng sâu sát, theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất ngành hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh, thành phố cũng tăng cường kích thích đầu tư công, dẫn dắt đầu tư tư nhân. Trọng tâm là tháo gỡ 571 dự án còn vướng mắc, tồn đọng để tăng doanh thu, thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Sẽ tái cơ cấu lại các chương trình xúc tiến đầu tư, giao thương, đeo bám vào các thị trường xuất khẩu lớn, tiềm năng và mang tính ổn định; tái cơ cấu lại, tăng hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, tăng giá trị của hàng Việt Nam.
Theo Cục Thống kê, quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) theo giá hiện hành của TPHCM năm 2024 đạt gần 1,78 triệu tỷ đồng - đứng vị trí số 1 cả nước. So với con số 919.025 tỷ đồng năm 2015, GRDP của thành phố tăng gần gấp đôi, tương đương mức tăng 93,5% trong 10 năm.