Mục tiêu “vì một Việt Nam xanh, sạch hơn” và sự tiên phong của doanh nghiệp trong chương trình hợp tác công tư

Lê Sáng | 14:11 05/06/2023

Thông điệp “Vì một Việt Nam xanh, sạch hơn” của chiến dịch chống ô nhiễm nhựa, làm sạch môi trường, tái tạo thiên nhiên một lần nữa cho thấy tính hiệu quả của mô hình hợp tác công tư với vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Mục tiêu “vì một Việt Nam xanh, sạch hơn” và sự tiên phong của doanh nghiệp trong chương trình hợp tác công tư
Lễ phát động “Ngày đại dương thế giới và Ngày môi trường thế giới” được Bộ TN&MT tổ chức ngày 4/6 tại Nghệ An. Ảnh: Bộ TN&MT

Ngày Môi trường thế giới 05 tháng 6 năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution).

Lễ phát động “Ngày đại dương thế giới và Ngày môi trường thế giới” đã được Bộ TN&MT tổ chức ngày 4/6 tại Nghệ An nhằm tuyên truyền và tạo ra các hành động thực tiễn có sức lan tỏa để nâng cao nhận thức của cộng đồng cùng với hoạt động bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo của người dân và cộng đồng.

Theo đó, tại sự kiện trên, thông tin về những định hướng chính sách trong việc xây dựng lối sống, phong cách tiêu dùng xanh tại Việt Nam, dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực môi trường, ông Đặng Quốc Khánh - Bộ Trưởng Bộ TN&MT nhận định hiện nay Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề ô nhiễm trắng có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Theo ông Khánh, cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng.

“Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm và suy thoái môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái; thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước”, Bộ Trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nói.

Trong khi đó, theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. HCM, thành phố xác định giảm thiểu túi nilon là một chương trình dài hạn, ngoài định hướng chính sách còn cần sự tham gia của nhiều bên từ doanh nghiệp đến người dân.

Do đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. HCM kêu gọi mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp tiếp tục đồng lòng, chung tay cùng với Thành phố giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, đẩy lùi ô nhiễm do chất thải nhựa bằng các giải pháp, sáng kiến cụ thể, thiết thực ngay trong sinh hoạt hàng ngày, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Dưới góc độ doanh nghiệp, theo chia sẻ của đại diện Unilever tại Việt Nam, những nỗ lực tổ chức chiến dịch chống ô nhiễm nhựa và ngày hội sống xanh nhằm hướng đến việc hiện thực hóa mục tiêu cùng Chính phủ nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng lối sống xanh, bền vững, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Mỗi hành động cụ thể của từng người dân đều góp phần tạo tác động tích cực cho một Việt Nam xanh, sạch hơn.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam cũng cho rằng mô hình Kinh tế Tuần hoàn về Nhựa là hướng tiếp cận đóng vai trò trọng yếu không chỉ trong việc giải quyết và ngăn chặn ô nhiễm nhựa, mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội.

“Đối với Unilever, để thúc đẩy mô hình này nhằm biến rác thải nhựa thành nguồn tài nguyên, chúng tôi tập trung vào ba hoạt động. Chúng tôi cắt giảm việc tiêu dùng nhựa, đổi mới kết cấu bao bì, và kết nối với các đối tác để triển khai các chương trình một cách nhịp nhàng. Trên hành trình này, sự hỗ trợ của Chính phủ, và sự hợp tác của các đối tác, nhà tái chế, NGO, tổ chức quốc tế và cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tuần hoàn bao bì nhựa để quay lại phục vụ sản xuất và đời sống. Điều này không chỉ giúp Unilever kinh doanh bền vững hơn, mà còn góp phần giúp Việt Nam phát triển xanh hơn”, bà Vân cho biết.

nguoi-dan-tich-cuc-tham-gia-doi-chai-nhua-cu-lay-qua-tai-gian-hang-unilever-4-1-.jpg
Một hoạt động thu gom rác thải nhựa của doanh nghiệp tại TP. HCM

Được biết, trong khuôn khổ sáng kiến xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa thông qua mô hình hợp tác công tư (PPC) tại Việt Nam thời gian qua Unilever cũng đã hợp tác cùng Bộ TN&MT và các đối tác khác, giúp phân loại tại nguồn và thu gom, tái chế rác thải nhựa. Từ năm 2020 đến nay, các dự án hợp tác của Unilever đã thu gom được hơn 20.000 tấn rác thải nhựa và tạo điều kiện cho hoạt động tái chế nhựa khởi sắc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, mới đây, Unilever Việt Nam đã tham gia trở thành thành viên nòng cốt của Nhóm kỹ thuật Đổi mới sáng tạo và Tài chính giảm Ô nhiễm Rác thải Nhựa thuộc Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) được chủ trì bởi Bộ TN&MT.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Mục tiêu “vì một Việt Nam xanh, sạch hơn” và sự tiên phong của doanh nghiệp trong chương trình hợp tác công tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO