Sau phiên giữa tuần hồi phục mạnh, nhiều nhà đầu tư hồ hởi với niềm tin rằng thị trường có khả năng sẽ có một nhịp tăng điểm tốt trong phiên kết tiếp. Tuy nhiên, diễn biến trong phiên 6/10 đã khiến không ít người phải thất vọng. Chỉ số VN-Index gần như chìm trong sắc đỏ trong suốt phiên giao dịch, với biên độ giảm ngày càng được nới rộng về cuối phiên. Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về phe cầm cổ phiếu với 773 mã giảm điểm, trong đó có 86 mã giảm sàn.
Cổ đông nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán có lẽ không khỏi thất vọng khi hầu hết các mã đều giảm sâu. Theo đó, cổ phiếu Chứng khoán một lần nữa rơi vào trạng thái ảm đạm khi nhiều cái tên như VND, VCI, HCM, BSI, VIX, CTS hay APS,.. đồng loạt giảm hết biên độ, kết phiên trong sắc "xanh sàn". Tương tự, cổ phiếu nóm bất động sản, xây dựng nằm sàn la liệt, có thể kể tới như NLG, DPG, DRH, DXG, KBC, LCG, VCG, HHV…, qua đó đánh rơi toàn bộ thành quả của phiên liền trước. Biên độ giảm trên 5% cũng xuất hiện ở hàng loạt mã chứng khoán khác trong nhóm như HQC, L14, CEO, IDJ, LDG, DIG, HUT, KDH...
So từ đỉnh thiết lập hơn 1 năm về trước, hiện không ít cổ phiếu đã "bay" sạch thành quả tăng giá trong suốt giai đoạn vừa qua như SSI, SHS, NLG, CEO, DIG,... Thậm chí việc giảm sâu hơn mức giá vùng "chân sóng" cũng không phải hiếm. Vốn hoá thị trường theo đó cũng bị cuốn đi hàng chục tỷ USD.
Nhìn lại giai đoạn nửa sau năm 2021, cơn sóng cổ phiếu nhóm chứng khoán rồi sau đó là Bất động sản, xây dựng lần lượt dâng trào trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hàng loạt mã tăng trần trong nhiều phiên liên tiếp, đẩy thị giá tăng bằng lần. Nhà đầu tư khi đó vô cùng hồ hởi vì có thể dễ dàng lựa chọn cổ phiếu rồi dễ dàng có lãi hàng chục, thậm chí hàng trăm phần trăm.
Ngoài những câu chuyện riêng của ngành, một trong những động lực không thể bỏ qua đã kích thích hai nhóm cổ phiếu này tăng giá tới từ dòng tiền mạnh mẽ gia nhập thị trường. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, chỉ riêng trong năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới kỷ lục hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong giai đoạn 4 năm 2017- 2020 cộng lại (1,04 triệu tài khoản). Sang tới nửa đầu năm 2022, tiếp tục kỷ lục mới với gần 1,85 triệu tài khoản chứng khoán được cá nhân trong nước mở mới. Làn sóng nhà đầu tư mới chảy ồ ạt vào kênh đầu tư chứng khoán trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ngày càng thấp khiến thị trường thăng hoa.
Tuy nhiên, sau khi "mùa hoa đẹp nhất" qua đi, dòng tiền trên thị trường giảm một cách rõ rệt. Những phiên giao dịch "tỷ đô" đã không còn thấy xuất hiện, giá trị giao dịch trung bình giảm về dưới ngưỡng 20.000 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền không còn đủ dồi dào để hấp thụ lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (freefloat) “khổng lồ” của 2 nhóm cổ phiếu này - kết quả của những "game" tăng vốn bằng lần giai đoạn trước đó.
Thêm nữa, các yếu tố cơ bản cũng đã không còn ủng hộ doanh nghiệp bất động sản hay các công ty chứng khoán như giai đoạn trước cũng khiên cổ phiếu hai nhóm này thiếu lực đỡ dưới áp lực chốt lời mạnh.
Việc NHNN vẫn kiên định duy trì tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% thay vì xem xét khả năng có thể nới thêm một vài phần trăm như đề xuất của một số chuyên gia, doanh nghiệp cho thấy rõ yêu cầu cao nhất hiện nay là kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Điều này cũng đồng nghĩa cơn khát vốn bù đắp sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nhiều tháng nay sẽ vẫn chưa thể được giải toả hoàn toàn. Các ngân hàng sẽ chỉ có thể cho vay ra nhỏ giọt khi thu hồi được nợ cũ.
Thêm vào đó, việc tăng 1 điểm phần trăm các mức lãi suất điều hành và tăng trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và ngắn hạn thể hiện rằng, thời kỳ tiền rẻ không còn nữa, lập tức những kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Dòng tiền sẽ chuyển từ kênh rủi ro nhiều sang kênh ít rủi ro hơn như tiết kiệm khi lãi suất tiết kiệm cải thiện. Đồng thời, lãi suất cho vay margin sẽ lên cao tương ứng, ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng vốn vay margin của khách hàng và từ đó tác động đến nguồn thu nhập của các công ty chứng khoán. Ngay trong tuần qua, đã có động thái tăng lãi suất margin tại một số công ty chứng khoán.
Đồng thời, doanh nghiệp vay nợ lớn, sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao như bất động sản, xây dựng sẽ chịu áp lực mạnh, vì lãi suất tiền gửi tăng kéo theo lãi suất cho vay đi lên, từ đó trực tiếp khiến chi phí lãi vay bị "đội" lên mức cao.
Chưa dừng lại, lãi suất tăng sẽ khiến nhóm bất động sản chịu thêm áp lực kép khi sản phẩm đầu ra của họ có đối tượng khách hàng thường sử dụng nợ vay, cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi lãi suất tăng.
Ở một khía cạnh khác, yếu tố có thể ảnh hưởng xuất phát từ Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ đã được ban hành vào ngày 16/09/2022. Nghị định mới có nhiều thay đổi, siết chặt hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt của đơn vị phát hành cũng như bảo vệ nhà đầu tư trước những rủi ro khi đầu tư vào kênh huy động vốn này. Với việc Chính phủ ban hành Nghị định 65, thị trường trái phiếu của Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn phát triển thực chất hơn, để những doanh nghiệp công bố công khai, minh bạch thông tin vẫn tiếp tục huy động được nguồn vốn trung và dài hạn rất hiệu quả trên thị trường
Tuy nhiên, quy định chặt chẽ cũng đồng nghĩa rằng việc huy động vốn của các doanh nghiệp sẽ không còn dễ dàng như trước. Các quy định yêu cầu chặt chẽ hơn để quản lý thị trường trái phiếu, do đó các doanh nghiệp bất động sản trong ngắn hạn sẽ chưa thể dễ dàng tiếp cận dòng vốn từ kênh trái phiếu như trước.
Thậm chí đối với các công ty chứng khoán, trong việc thu từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu, sự thắt chặt trong chính sách quản lý cũng sẽ khiến các công ty chứng khoán có nguy cơ bị thu hẹp về nguồn thu tại mảng này. Triển vọng tăng trưởng doanh thu đến từ việc phân phối lại trái phiếu doanh nghiệp sẽ là một điểm chưa chắc chắn sau Nghị định 65.
Chứng khoán KIS trong báo cáo phân tích gần đây đã nhận thấy vai trò của đơn vị tư vấn, công ty chứng khoán hoặc NHTM, CN Ngân hàng nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán, sẽ trở nên quan trọng hơn đi cùng những yêu cầu chuyên môn cao hơn để có thể cung cấp nghiệp vụ này. Trong ngắn hạn, những doanh nghiệp chưa có thể mạnh về mảng tư vấn trái phiếu có thể sẽ gặp khó khăn trong khi các doanh nghiệp với đội ngũ IB dày dạn kinh nghiệm sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.