Mùa Giáng sinh thảm họa của lao động Mỹ

Băng Băng | 11:33 16/12/2022

Tại Mỹ, tháng 12 và tháng 1 hàng năm là thời điểm doanh nghiệp đuổi việc nhiều nhất bất chấp Giáng sinh lẫn năm mới, và đây không phải quyết định không có chủ đích.

Mùa Giáng sinh thảm họa của lao động Mỹ

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), tháng 12 thường là tháng bị cắt giảm nhân sự nhiều thứ 2 tại Mỹ, trong khi đứng đầu là tháng 1 hàng năm.

Tuy nhiên tình hình năm 2022 có vẻ căng thẳng hơn khi làn sóng sa thải lan rộng ở nhiều hãng công nghệ lẫn truyền thông. Rõ ràng Giáng sinh năm nay sẽ không hề dễ dàng với nhiều lao động.

Trong khi câu chuyện có nên đuổi việc nhân viên ngay trước lễ Giáng sinh và năm mới hay không vẫn còn gây tranh cãi thì nhiều lao động lại tự hỏi tại sao các ông chủ lại nhẫn tâm làm điều này ngay trước ngày lễ trọng đại?

Mùa vụ

Bất chấp thị trường lao động Mỹ khá ổn định trong thời gian qua, hàng loạt các tập đoàn công nghệ lớn như Meta (Facebook), Amazon hay Salesforce đã, đang và sẽ quyết định sa thải hàng loạt nhân viên. Nhiều công ty ở các ngành khác như Ford (xe hơi), Walmart (bán lẻ), Pepsi (giải khát) cũng đã cắt giảm hàng nghìn lao động.

Trên thực tế, số liệu tại Mỹ của Bộ thống kê lao động (BLS) cho thấy tháng 12 hàng năm thường là thời điểm cắt giảm nhân sự nhiều thứ 2, tính từ năm 2000 trở lại đây. Đứng đầu sẽ là tháng 1 hàng năm, ngoại trừ vào năm 2020 khi đại dịch diễn ra và tháng đuổi việc nhiều nhất là tháng 3-4.

Vào thập niên 1970-1980, Phó chủ tịch Andy Challenger của Gray & Christmas nhận định các công ty Mỹ thường xem xét đến thời điểm sa thải nhân viên, hạn chế vào các dịp lễ cuối năm như Giáng sinh. Thế nhưng tình hình giờ đây đã khác khi động thái đuổi việc người lao động có thể diễn ra bất cứ lúc nào nếu doanh nghiệp thấy cần thiết.

Mặc dù hành động này có thể gây tổn hại đến hình ảnh hoặc đem lại cản trở cho doanh nghiệp khi muốn tuyển dụng thêm nhân viên, nhưng giám đốc nghiên cứu kinh tế Nick Bunker của Indeed Hiring Lab chi nhánh Bắc Mỹ thì cho rằng câu chuyện khá dễ hiểu.

Đầu tiên là mùa vụ tuyển dụng với nhiều ngành nghề có thời vụ, ví dụ như bán lẻ.

“Tháng 10-11 có rất nhiều hãng bán lẻ tuyển dụng nhân viên để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh dịp cuối năm. Thế rồi khi Giáng sinh và năm mới qua đi, tháng 1 trở thành tháng sa thải lao động nhiều nhất”, ông Bunker nói.

Làm đẹp sổ sách

Tiếp đó với những ngành không phải thời vụ như tài chính, bảo hiểm, bất động sản... thì câu chuyện lại liên quan đến sổ sách.

Thông thường tháng 12 sẽ là kết thúc của năm tài khóa và rất nhiều doanh nghiệp muốn điều chỉnh chiến lược cho năm mới dựa trên kết quả của năm cũ. Đây cũng là cách mà các CEO muốn gây ấn tượng với cổ đông hoặc tìm kiếm lợi thế nhờ kế hoạch tham vọng cho tương lai.

Phó chủ tịch George Penn của Gartner Inc cho biết câu chuyện làm đẹp sổ sách này đặc biệt phổ biến khi các doanh nghiệp có 1 năm kinh doanh bết bát hoặc không đạt mục tiêu, bởi vậy việc hướng tới 1 năm mới tham vọng hơn là điều dễ hiểu. Do đó điều đầu tiên các ông chủ sẽ làm là cắt giảm chi phí, sa thải bớt lao động.

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch J.P. Gownder của Forrester Research nhận định rất nhiều công ty đang lo lắng về động thái nâng lãi suất kịch liệt của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhằm chống lạm phát trong năm mới. Đó là chưa kể đến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, cuộc xung đột công nghệ Mỹ-Trung cùng câu chuyện tại Ukraine.

“Tất cả doanh nghiệp đều muốn có 1 năm 2023 thành công và chắc chắn họ sẽ phải xem xét cắt giảm chi phí, sa thải bớt lao động trong viễn cảnh nhiều rủi ro như hiện nay. Tôi sẽ chẳng bất ngờ nếu những tuyên bố sa thải tiếp tục được thông báo trong những tuần tới khi đã sát ngày Giáng sinh và năm mới”, ông Gownder cho biết.

*Nguồn: WSJ


(0) Bình luận
Mùa Giáng sinh thảm họa của lao động Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO