Câu chuyện này đã diễn ra từ năm 2003. Nhưng sau 20 năm, đến nay, sự việc được chia sẻ lại vẫn thu hút sự chú ý của nhiều người.
Sẵn sàng trả thêm tiền để hỗ trợ chủ nhà cũ
Theo đó, năm 2003, bà Nguỵ (Xích Phong, Trung Quốc) có ý định mở xưởng sản xuất, sau khi nghỉ công việc văn phòng. Trong lúc tìm kiếm địa điểm ở mở xưởng trên mạng, bà vô tình phát hiện căn nhà ở một ngôi làng thuộc vùng nông thôn của quận Hồng Sơn, Trung Quốc phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Theo đó, căn nhà có diện tích 557m2 được rao bán với mức giá 150.000 NDT (khoảng 513 triệu đồng). Chủ nhà là một người đàn ông họ Lưu vừa mới qua đời do bệnh nặng. Sau khi chồng qua đời, nhằm có tiền trả nợ viện phí và nuôi 2 con ăn học, bà Lưu không còn cách nào khác là bán đi căn nhà duy nhất.
Do căn nhà có diện tích lớn nên mức giá đưa ra khá cao. Nhiều người đã đến xem và trả giá nhưng bà Lưu không đồng ý. Sau khi tìm hiểu, bà Nguỵ rất hiểu cho trường hợp của bà Lưu nên không mặc cả mà sẵn sàng mua với mức giá được đưa ra.
Thậm chí, người phụ nữ mua nhà còn chủ động tăng giá căn nhà lên 155.000 NDT và đưa thêm 5.000 NDT để 3 mẹ con trang trải chi phí sinh hoạt khi chuyển sang nhà mới. Như vậy, bà Nguỵ đã bỏ ra 160.000 NDT (khoảng 547 triệu đồng) để có thể sở hữu căn nhà này. Để tránh bà Nguỵ gặp những tranh chấp sau này, bà Lưu cũng tạo điều kiện ký tên và đóng dấu tên cả gia đình vào hợp đồng.
Sau khi hợp đồng được ký kết, người phụ nữ này cho biết đã bỏ thêm 520.000 NDT để xây mới, cải tạo căn nhà nhằm phù hợp với mục đích sử dụng. Trong suốt 15 năm sau đó, bà Nguỵ vẫn sử dụng phần đất này bình thường. Không một ai nói cho bà biết bản hợp đồng mua bán nhà có vấn đề. Thậm chí, bà vẫn còn gọi điện hỏi thăm bà Lưu mỗi dịp Tết đến.
Bán nhà được 15 năm vẫn đòi chia tiền đền bù
Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu vào năm 2003, sau 15 năm bà Nguỵ sử dụng mảnh đất này. Khi đó, chính quyền địa phương quyết định mở rộng đường. Một phần diện tích mở rộng sẽ nằm trong phạm vi của nhà bà Nguỵ. Để thực hiện công tác này, gia đình bà sẽ nhận được khoảng tiền đền bù lên đến 4,19 triệu NDT (khoảng 14,3 tỷ đồng) để di chuyển đến nơi ở mới.
Khi biết có chuyện này, người chủ cũ, bà Lưu bất ngờ xuất hiện. Người này đòi chia số tiền đền bù với lý do bản hợp đồng mua bán nhà từ 15 năm trước có vấn đề. Chính vì thế, bà Lưu vẫn còn quyền sử dụng ở mảnh đất này.
Theo đó, mẹ con nhà bà Lưu đã lợi dụng kẽ hở quy định ở Trung Quốc: người có đăng ký hộ khẩu ở thành thị không được phép mua nhà tại nông thôn để cho rằng bà Nguỵ phạm luật. Đúng là ở thời điểm mua nhà ở nông thôn, bà không hề biết đến quy định này.
Dẫu biết mình sai song, bà Nguỵ không đồng ý chia tiền bồi thường. Bởi hợp đồng mua bán nhà đã được ký kết, quyền sử dụng đất của chủ nhà cũ đã không còn. Thêm nữa, trong suốt quãng thời gian qua, bà Lưu không hề ý kiến về chuyện này nhưng đến khi thấy có tiền đền bù lại gây khó dễ.
Nhận thấy không thể giải quyết bằng hình thức thương lượng được nữa, bà Nguỵ quyết định đâm đơn ra toà. Sau khi nghe trình bày của cả 2 bên, thẩm phán quyết định chia số tiền đền bù thành 2 phần căn cứ vào tỷ lệ lỗi. Bà Nguỵ sẽ được 3,23 triệu NDT, còn lại 960.000 NDT sẽ thuộc về mẹ con nhà bà Lưu.
Sau khi câu chuyện này được chia sẻ trở lại, nhiều người vẫn trách bà Lưu vì tham tiền mà quên đi sự giúp đỡ của bà Nguỵ ở thời điểm 15 năm trước. Không có sự hào phóng của bà Nguỵ làm sao 3 mẹ con có thể vượt qua được khó khăn ở thời điểm đó khi mang trên vai một khoản nợ lớn.
Theo Toutiao