Nguồn tin của CNBC cho biết, Core Scientific đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 ở Texas vào rạng sáng ngày 21/12. Core Scientific được biết tới là một trong những công ty khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới, bên cạnh Genesis Mining, Bitmain, Bitfury và HashNet.
Core Scientific tập trung chủ yếu “đào” Bitcoin. Quá trình này yêu cầu việc cung cấp một lượng năng lượng lớn cho các trung tâm dữ liệu trên toàn quốc và các máy tính chuyên dụng để xử lý các thuật toán, đồng thời tạo ra các token mới.
Giá trị vốn hóa thị trường của Core Scientific đã giảm xuống còn 78 triệu USD vào cuối phiên giao dịch ngày 20/12. Trước đấy, công ty được định giá ở mức 4,3 tỷ USD vào tháng 7/2021 khi niêm yết cổ phiếu thông qua SPAC. Trong năm vừa rồi, cổ phiếu Core Scientific đã giảm hơn 98%.
Theo CNBC, dòng tiền của công ty vẫn đang dương nhưng số tiền đó không đủ để trả nợ cho các khoản tài trợ thiết bị mà công ty đã thuê. Core Scientific sẽ không thay lý các tài sản mà tiếp tục hoạt động bình thường và cố gắng đạt được thỏa thuận với các chủ nợ.
Đại diện công ty cho biết trong một thông báo vào tháng 10 rằng, những người đang nắm giữ cổ phiếu phổ thông của Core Scientific có thể bị “tổn thất toàn bộ khoản đầu tư” nhưng điều này có thể không xảy ra nếu ngành tiền điện tử khôi phục.
Công ty cũng tiết lộ rằng họ có thể sẽ không thực hiện các khoản thanh toán nợ đến hạn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 và các chủ nợ có quyền kiện công ty vì không nhận được các khoản thanh toán.
Tháng 6/2022, sự sụp đổ của LUNA/UST khiến những công ty khai thác - trong đó có Core Scientific - phải miễn cưỡng 'xả' Bitcoin với giá thấp để trang trải chi phí.
Khi ấy, Core Scientific được cho là đã thanh lý tới 167 triệu USD Bitcoin. Tuy nhiên, số tiền này không đủ để công ty gồng gánh chi phí hoạt động. Core Scientific đã quyết định phát hành thêm 100 triệu USD cổ phiếu để cải thiện thanh khoản.
Đến tháng 7/2022, Core Scientific tiếp tục đối mặt với một thách thức khác. Khách hàng lớn nhất của công ty - Celsius Network - đệ đơn phá sản.
CNBC chỉ ra, Core Scientific không phải là công ty khai thác tiền điện tử duy nhất ảnh hưởng bởi các sự kiện về “thảm họa” tiền số trong thời gian qua. Compute North - một công ty khai thác Bitcoin khác tại Mỹ - đã nộp đơn phá sản vào tháng 9/2022, với khoản nợ ước tính 500 triệu USD.
Vài tuần sau, Marathon Digital Holdings, một công ty khai thác khác, tiếp tục báo cáo khoản lỗ do đã đầu tư 80 triệu USD vào công ty đã phá sản.
Ngoài ra, Greenidge Generation, một công ty khai thác tiền điện tử tích hợp theo chiều dọc, cũng đã báo cáo khoản lỗ ròng hơn 100 triệu USD trong quý II/2022, đồng thời thông báo “tạm dừng” kế hoạch mở rộng sang Texas.
Tham khảo: CNBC
Thông tin về tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư. Tại Việt Nam hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.