Một thành phố Trung Quốc có GDP/đầu người vượt xa Nga, thoát vỏ kén “làng chài” trở thành phiên bản khác của “Thung lũng Silicon”

Anh Dũng | 10:55 14/07/2023

Thành phố này giờ đây là nhà của nhiều gã khổng lồ công nghệ, của các doanh nhân thành đạt và sinh viên tài năng.

Một thành phố Trung Quốc có GDP/đầu người vượt xa Nga, thoát vỏ kén “làng chài” trở thành phiên bản khác của “Thung lũng Silicon”
Ảnh: Getty Images

Cú lột xác thần tốc

Cây cối có thể là thước đo thời gian chuẩn nhất của thiên nhiên. Một hạt giống không thể hoá thành cây ngay lập tức, cho dù được cung cấp bao nhiêu chất dinh dưỡng đi nữa.

Thế nên, sự phong phú của cây cối trên đường phố của Thâm Quyến là một trong những nét đặc biệt nhất của thành phố miền nam Trung Quốc này. Một thứ mà không bị cuốn theo tốc độ phát triển của Thâm Quyến.

Những toà nhà chọc trời ở Thâm Quyến. Ảnh: Erika Na

Gần như mọi thứ khác trong đô thị này đều đã thay đổi. Thành phố được sinh ra vào cuối thập niên 1970 như một thử nghiệm cho những cải cách về chính sách kinh tế. Khi đó, thị trấn nhỏ ven biển với hơn 300.000 dân này được chọn làm một trong 4 đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc.

Khi ấy, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình là người đã khởi xướng công cuộc đổi mới mở cửa ở Trung Quốc. Bức tượng của ông được dựng cao sừng sững ở công viên Liên Hoa Sơn trong thành phố. Cho đến ngày nay, nhiều người trẻ đi qua vẫn cúi đầu tỏ lòng kính trọng đối với vị lãnh đạo đã thay đổi cuộc sống của vô số người.

Bức tượng của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trong công viên Liên Hoa Sơn. Ảnh: Erika Na
Mọi người nhìn ngắm khung cảnh của Thâm Quyến. Ảnh: Erika Na

Ngay khi Thâm Quyến bắt đầu chuyển mình, nhiều người đồng ý rằng thành phố cần có một nền giáo dục đại học. Vào tháng 9 năm 1983, chính phủ phê duyệt thành lập Đại học Thâm Quyến với mục tiêu bắt đầu tuyển sinh vào ngay mùa thu năm sau.

Trung tâm hành chính ở Thâm Quyến được xây dựng vào những năm 1990. Ảnh: Erika Na

Nền kinh tế của Thâm Quyến tiếp tục mở rộng và sự tập trung vào việc thúc đẩy đổi mới bắt đầu đơm hoa kết trái. Những năm từ 2000 đến 2010, những gã khổng lồ công nghệ nổi tiếng toàn cầu như Tencent, DJI và Huawei đã được thành lập tại Thâm Quyến.

Vào năm 2010, đặc khu kinh tế, trước đây chỉ giới hạn ở La Hồ, Phúc Điền, Nam Sơn và Diêm Điền, đã được mở rộng để bao trùm tất cả 9 quận của Thâm Quyến.

Quang cảnh sông Thâm Quyến. Ảnh: Getty Images

Thâm Quyến tự hào có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người cao nhất Trung Quốc. Trong năm 2022, GDP bình quân đầu người của Thâm Quyến là khoảng 183.300 nhân dân tệ (tương đương 25.700), cao hơn cả GDP/đầu người của Bồ Đào Nha là 24.275 USD, vượt xa GDP/đầu người của Nga là 15.345 USD và cao hơn GDP/đầu người của chính Trung Quốc là 12.720 USD.

Cú lột xác ngoạn mục nhất có lẽ là ở Nam Sơn, nơi có những toà nhà chọc trời mang hơi hướng tương lai. Khu vực này cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Thành công này không phải là điều hiển nhiên. Những người định cư ban đầu đã chứng kiến nhiều thăng trầm của thành phố.

image(3).png
Ảnh: He Shaoping/VCG/Getty Images

Cô Li Enjing, 28 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Thâm Quyến. Cha mẹ cô đã mua một căn nhà ở Nam Sơn vào những năm 2000. “Khi tôi còn trẻ, quận Nam Sơn thậm chí còn chưa tồn tại”, cô kể.

Cô Li nói thêm: “Không ai có thể tưởng tượng được rằng đường phố sẽ tràn ngập các công ty công nghệ lớn, và cuối cùng trở thành Thung lũng Silicon của Trung Quốc. Nhưng bố mẹ tôi quyết định mua căn hộ ở đó chỉ vì nó rẻ hơn so với các khu vực khác. Họ không có nhiều tiền”.

Khi bố mẹ cô Li chuyển đến Thâm Quyến vào đầu thập niên 1980, nơi đây chỉ là một thị trấn nhỏ sát biển. Ông bà của Li muốn mẹ cô chuyển đến Thượng Hải hoặc Bắc Kinh, nơi có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn. Nhưng quyết định của cha mẹ Li đã đúng. Thành phố non trẻ sau này trở thành nơi tạo cơ hội cho cuộc sống và sự nghiệp của họ thăng hoa.

Một Thâm Quyến rất khác

Mặt khác, Thâm Quyến vẫn có những khu phố giữ được nguyên vẹn nét cổ kính, chẳng hạn như phố Yuanling Xincun ở quận Phúc Điền. Nhiều căn hộ vẫn giữ chiếc cầu thang kiểu cũ, những viên gạch bạc màu, những hàng rào rỉ sét… Tuy nhiên, Yuanling Xincun hiện là một địa điểm hấp dẫn đối với các doanh nhân trẻ. Nơi đây có nhiều cửa hàng đồ cổ, quán cà phê và không gian nghệ thuật. Nhiều du khách đến đây để thư giãn, thoát khỏi căng thẳng.

Yuanling Xincun là một trong những khu phố ở Thâm Quyến vẫn giữ được nét hoài cổ những năm 1980. Ảnh: Erika Na
Ảnh: Erika Na

Hàng năm, rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp và lao động nông thôn từ khắp Trung Quốc đến Thâm Quyến. Mặc dù cuộc sống ở Thung lũng Silicon của Trung Quốc có nhiều áp lực, những người trẻ vẫn tìm đến để thực hiện hoài bão.

Ngược lại, những người cao niên ở Thâm Quyến dường như đang tận hưởng một nhịp sống nhàn nhã hơn. Ông Yu Chunjiang, 61 tuổi, đến công viên mỗi sáng cùng các thành viên trong câu lạc bộ đạp xe của ông. “Thâm Quyến là nơi tuyệt vời để sống. Thành phố có đông người, nhưng cũng có nhiều không gian và nhiều thứ để tận hưởng”, ông Yu nói.

Người lớn tuổi thường dẫn cháu đi dạo tại các khu vực công cộng như Công viên Trung Sơn. Ảnh: Erika Na
Cầu Vịnh Thâm Quyến nhìn từ Công viên Vịnh Thâm Quyến. Ảnh: Erika Na

Cuộc sống phong phú khi về hưu của người cao niên đã phản ánh sự phát triển của chính Thâm Quyến. Qua 4 thập kỷ, họ đã đúng khi đặt cược tương lai vào “thị trấn ven biển nhỏ bé” này.

Tham khảo SCMP


(0) Bình luận
Một thành phố Trung Quốc có GDP/đầu người vượt xa Nga, thoát vỏ kén “làng chài” trở thành phiên bản khác của “Thung lũng Silicon”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO