Được mệnh danh là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ. Để " chiếc kiềng 3 chân" (công nghiệp - dịch vụ - du lịch cảng biển) vững vàng, ngành du lịch Hải Phòng đang được chú trọng phát triển để cân bằng với mảng dịch vụ cảng biển và công nghiệp.
Theo Quyết định số 323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng quy hoạch mạng lưới du lịch đến năm 2030 có đủ khả năng đáp ứng cho 30 - 35 triệu lượt khách, đến năm 2040 khoảng 35 - 40 triệu lượt.
Là một trong rất ít địa phương có đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia hội tụ đủ 5 loại hình giao thông quan trọng (bao gồm: đường bộ, đường biển, đường sắt, đường thuỷ nội địa và đường hàng không), Hải Phòng sở hữu lợi thế đặc biệt để song song phát triển cả công nghiệp - dịch vụ cảng biển và du lịch.
4 năm - 46 cây cầu
Trong những năm đầu của đổi mới, Hải Phòng thường được nhắc đến qua bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu "Mừng Hải Phòng": "Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô!/Đào sông, lấn biển, dựng cơ đồ...". Khi đó, thành Phố Hải Phòng mới xây dựng được cầu Rào, cầu Niệm và cầu An Dương - ba công trình cầu được xem là vĩ đại và lớn lao tại thời điểm đó. Nhưng giờ đây, hàng chục cây cầu lớn nhỏ với đủ các kiểu dáng thiết thế, nhiều cây cầu rộng, dài và hiện đại gấp nhiều lần 3 cây cầu kể trên đã "đua nhau" mọc lên trên thành phố Cảng với tốc độ đáng kinh ngạc.
Mới đây, vào ngày 17/7 cầu Bến Rừng bắc qua sông Đá Bạch, nối huyện Thuỷ Nguyên (TP Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) chính thức thông xe. Khi cầu Bến Rừng đi vào hoạt động, người dân thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh và huyện Thuỷ Nguyên, Tp. Hải Phòng sẽ chỉ mất chừng 5 phút để qua sông Đá Bạc thay vì chờ và ngồi phà 30-60 phút như trước.
Việc đầu tư xây dựng cầu Phà Rừng nằm trong chiến lược của thành phố nhằm xoá những bến phà cũ kỹ, lạc hậu và bất tiện, qua đó, hoàn thiện hệ thống giao thông nội vùng và liên vùng.
Mở đầu cho chiến lược này bắt đầu từ việc xây dựng cầu Bính thay thế phà Bính nối khu vực nội thành huyện Thuỷ Nguyên. Cầu Bính là cây cầu dây văng đầu tiên và hiện đại nhất Hải Phòng tính đến thời điểm đó.
Trong những cây cầu tạo nên “điểm nhấn” trong phát triển của thành phố Cảng phải kể đến cầu Tân Vũ-Lạch Huyện. Với chiều dài 5,4 km, đây được xem là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam được hoàn thành năm 2017 với tổng đầu tư gần 12 nghìn tỷ đồng. Cây cầu đã rút ngắn thời gian đi từ bán đảo Đình Vũ sang đảo Cát Hải từ 1 giờ đồng hồ xuống còn 5 phút.
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, chỉ tính trong giai đoạn 2015-2020, Hải Phòng đã xây dựng mới 46 cây cầu cùng hàng trăm km đường với tổng vốn đầu tư gần 44 nghìn tỷ đồng.
Những tuyến đường rộng mở, vươn dài cùng những cây cầu thay thế cho các tuyến phà cũ kỹ qua các dòng sông bao quanh thành phố như: Cấm, Lạch Tray, Bạch Đằng, Văn Úc, Thái Bình... đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ của Thành phố Cảng. Hải Phòng hiện có gần 8.000km đường bộ, tăng gấp hơn bốn lần so với năm 2005 và 145 cây cầu, tăng gần gấp hai lần năm 2005.
Dự kiến đến năm 2025, trên địa bàn Tp.Hải Phòng, sẽ chỉ còn duy nhất tuyến phà Đồng Bài - Cái Viềng nối đảo Cát Bà với đất liền. Theo các chuyên gia, việc xây dựng cầu vượt biển thay thế tuyến phà này khó khả thi không phải vì lý do kinh tế mà là những yếu tố liên quan đến luồng lạch hàng hải, điều kiện địa chất cũng như bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận năm 2004.
Tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Cảng
Để hoàn thiện hạ tầng giao thông, TP Hải Phòng lên kế hoạch xây dựng 100 cây cầu trong vòng 5 năm, với tổng mức đầu tư gần 38.000 tỷ đồng.
Trong đó, rất nhiều cây cầu đảm nhiệm vai trò kết nối vùng với các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình. Ngay giữa năm 2021, thành phố Hải Phòng đã dành ngân sách của mình để xây dựng hai cây cầu kết nối với tỉnh Hải Dương, gồm cầu Quang Thanh kết nối huyện An Lão (Hải Phòng) và huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) qua sông Văn Úc và cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) qua sông Kinh Thầy. Hai cây cầu hoàn thành cùng lúc đã mở ra một liên kết vùng rộng lớn giữa các địa phương khu vực này.
Việc hoàn thành xây dựng những cây cầu mới trên địa bàn TP. Hải Phòng không chỉ tạo điều kiện về giao thông mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nội vùng và liên vùng.
Trên tuyến sông Lạch Tray, 3 cây cầu: Rào, Võ Nguyên Giáp, Niệm (dự kiến sẽ có thêm cầu Rào 3), đã và đang mở ra không gian phát triển mới cho quận Dương Kinh, quận Kiến An, quận Đồ Sơn và huyện Kiến Thụy. Dự kiến đến năm 2030, huyện Kiến Thụy từ vùng quê thuần nông sẽ trở thành quận trực thuộc Tp.Hải Phòng.
Dọc tuyến sông Cấm, 2 cây cầu Bính và cầu Hoàng Văn Thụ (cầu Nguyễn Trãi sẽ được khởi công vào năm 2024), dự kiến năm 2025, trung tâm Chính trị - Hành chính Tp.Hải Phòng sẽ chuyển về Khu đô thị mới Bắc sông Cấm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Cũng trong năm này, Thủy Nguyên sẽ trở thành thành phố trực thuộc Tp.Hải Phòng.
Bên cạnh đó là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam mang tên Đình Vũ - Cát Hải kết nối giao thông từ đất liền với Cảng nước sâu Lạch Huyện và Dự án Khu phi thuế quan Xuân Cầu không những phát huy thế mạnh cảng biển của Hải Phòng, mà còn đem đến sự đổi thay lớn lao cho đảo Cát Hải.
Các dự án này sẽ không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Cảng, mà còn góp phần quan trọng để phát triển Hải Phòng trong không gian chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Nhất là thực hiện mục tiêu phát triển khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.
Năm 2022, kinh tế TP. Hải Phòng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,32% so với cùng kỳ, gấp khoảng 1,5 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,5 tỷ USD...
Đây cũng là năm đầu tiên TP. Hải Phòng thu ngân sách đạt trên 100.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 cả nước sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, những cây cầu còn giúp Hải Phòng ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI. Theo thông tin từ UBND Tp.Hải Phòng, giai đoạn 2020 - 2023, nguồn vốn FDI vào địa phương không ngừng tăng, từ 1,4 tỷ USD năm 2020 lên 2,9 tỷ USD năm 2021, 3,2 tỷ USD năm 2023 và đạt mức kỷ lục 3,5 tỷ USD năm 2023.