Một nước lên kế hoạch xây siêu cảng từ 10 năm trước mãi không xong, công ty Trung Quốc đầu tư 3 tỷ USD, đứng ra xây dựng thì dự án mới thành hiện thực

Hải Miên | 10:18 28/12/2023

Chỉ trong giai đoạn xây dựng, dự án ước tính đã tạo ra tổng cộng 7.500 việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Một nước lên kế hoạch xây siêu cảng từ 10 năm trước mãi không xong, công ty Trung Quốc đầu tư 3 tỷ USD, đứng ra xây dựng thì dự án mới thành hiện thực

Chancay được biết đến là một thị trấn đánh cá và nuôi trồng cách thủ đô Lima khoảng 70km về phía bắc. Giờ đây, thị trấn nhỏ với dân số khoảng 60.000 người này đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ khi là nơi xây dựng một siêu cảng thương mại và khu công nghiệp khổng lồ.

Sau khi hoàn thiện, cảng nước sâu khổng lồ dành cho tàu container này sẽ có khả năng đón những con tàu chở hàng lớn nhất thế giớ và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế địa phương cũng như khu vực, đồng thời định hình lại các tuyến đường vận tải toàn cầu.

Cảng Chancay có tổng vốn đầu tư hơn 3,6 tỷ USD, được sở hữu 60% bởi tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc Cosco thuộc sở hữu nhà nước - một trong những hãng vận tải biển lớn nhất thế giới và 40% thuộc sở hữu của công ty khai thác mỏ Volcan của Peru.

Theo Cosco, hàng trăm chuyên gia, kỹ sư và người vận hành máy móc đã được điều đến từ Trung Quốc để phối hợp cùng đội ngũ của Peru. Tổng số nhân sự làm việc tại công trình này là khoảng 2.200 người. Dự kiến, siêu cảng Chancay sẽ hoàn thiện vào cuối năm sau.

Bộ trưởng Thương mại Peru cho biết cảng sẽ giảm đáng kể thời gian vận chuyển từ Nam Mỹ đến châu Á, giúp Peru tăng tính cạnh tranh trong ngoại thương và cắt giảm chi phí cho các nhà xuất khẩu trong khu vực.

screenshot_2.jpg
Hình ảnh tại công trường xây dựng cảng Chancay (Ảnh: ElCP).

Tập đoàn Cosco cho biết đây sẽ là cảng thông minh, tự động hóa vận hành và sử dụng công nghệ kỹ thuật số mới nhất. Những điều trên giúp rút ngắn thời gian vận chuyển từ Nam Mỹ đến châu Á từ 10 ngày trở lên và loại bỏ các điểm dừng ở Mỹ, Mexico khỏi hành trình.

Ví dụ, hành trình xuyên Thái Bình Dương hiện kéo dài ít nhất 35 ngày và bao gồm điểm dừng tại các cảng như Long Beach (California, Mỹ). Khi cảng Chancay hoạt động, hàng hóa có thể đi từ Chancay đến Thượng Hải chỉ trong vòng 20 ngày.

Đến nay, Cosco đã vận hành 38 cảng trên khắp thế giới nhưng Chancay là cảng đầu tiên ở Nam Mỹ. Theo The World, dự án này đã được chính phủ Peru lên kế hoạch từ khoảng 10 năm trước nhằm mục đích thúc đẩy xuất khẩu và cạnh tranh với những cảng khác trên bờ biển Thái Bình Dường của khu vực Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, phải đến gần đây, khi Cosco quyết định đầu tư 3 tỷ USD thì dự án mới thực sự được triển khai toàn diện. Việc xây dựng được đẩy nhanh từ năm 2021 và đến nay đã thực hiện được 40% tiến độ.

Chỉ riêng trong giai đoạn xây dựng, cơ sở vật chất đã bao gồm một khu vực có sức chứa 1.500 người và ước tính tạo ra tổng cộng 7.500 việc làm trực tiếp cũng như gián tiếp.

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của siêu cảng Chancay là khả năng tiếp nhận tàu có sức chở lên tới 18.000 TEU (tương đương 1 container 20 feet tiêu chuẩn), loại tàu vận tải lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Cho đến nay, khu vực Mỹ Latinh vẫn chưa đón con tàu nào lớn như vậy. Năng lực trên được đánh giá là giúp định vị Chancay như một cảng chiến lược trên quy mô toàn cầu trong tương lai không xa.

Theo CNBC, The Diplomat
Copy Link

(0) Bình luận
Một nước lên kế hoạch xây siêu cảng từ 10 năm trước mãi không xong, công ty Trung Quốc đầu tư 3 tỷ USD, đứng ra xây dựng thì dự án mới thành hiện thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO