Một mặt hàng của Việt Nam hứa hẹn sẽ bùng nổ ở Trung Quốc: Từng có tháng kim ngạch xuất khẩu tăng 4.000%, có 1 lợi thế lớn so với đối thủ Thái Lan

Mộc Thảo | 15:51 13/09/2023

Trong 2 năm vừa qua, Trung Quốc nhập khẩu số lượng sầu riêng có giá trị lên tới 6 tỷ USD, chiếm 91% nhu cầu toàn cầu.

Một mặt hàng của Việt Nam hứa hẹn sẽ bùng nổ ở Trung Quốc: Từng có tháng kim ngạch xuất khẩu tăng 4.000%, có 1 lợi thế lớn so với đối thủ Thái Lan

Một số người cho rằng đó là loại quả rất ngon, nhưng có không ít người không chịu được thứ mùi mà họ cho là giống với những chiếc tất để lâu ngày không giặt. Tuy nhiên, dù yêu hay ghét loại quả này thì không thể phủ nhận 1 sự thực là ngày càng có nhiều người ưa thích sầu riêng – đặc biệt là ở Trung Quốc.

Theo báo cáo mới được ngân hàng HSBC công bố, nhu cầu về sầu riêng trên toàn cầu đã tăng 400% so với năm ngoái, mà nguyên nhân lớn nhất là từ những người tiêu dùng Trung Quốc “phát cuồng” vì sầu riêng.

Trong 2 năm vừa qua, Trung Quốc nhập khẩu số lượng sầu riêng có giá trị lên tới 6 tỷ USD, chiếm 91% nhu cầu toàn cầu, chuyên gia kinh tế Aris Dacanay của HSBC viết trong báo cáo.

Cơn sốt sầu riêng chủ yếu tập trung ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng không coi đây đơn thuần là 1 loại quả mà còn là thứ quà tặng sang trọng. Ngoài ra, ngày càng nhiều người Trung Quốc mang sầu riêng tặng cho bạn bè và người thân như 1 món quà cưới.

Mặc dù nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc đã bắt đầu tăng lên từ năm 2017, chỉ đến cuối năm ngoái đà tăng trưởng mới thực sự bùng nổ.

“Vua của các loại quả” hiện được bán với giá hơn 10 USD/kg ở Trung Quốc, so với mức giá trung bình 6 USD/kg ở các thị trường Đông Nam Á. Trong khi đó, các nước ASEAN là khu vực xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 90% trong năm 2022). Riêng Thái Lan chiếm 99% tổng lượng sầu riêng mà các nước ASEAN xuất khẩu ra thế giới.

“Liệu sầu riêng có thể trở thành 1 loại cao su mới? Hoàn toàn có thể vào 1 ngày nào đó, khi việc tặng cho mẹ vợ 1 quả sầu riêng trở thành điều thường thấy trên thế giới. Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời”, chuyên gia Dacanay nói.

Ông bổ sung thêm rằng nhu cầu tăng vọt sẽ mang đến cơ hội cho các nước còn lại ở Đông Nam Á chứ không chỉ riêng Thái Lan. “Thị trường Trung Quốc lớn đến mức còn rất nhiều khoảng trống để các nước Đông Nam Á khác nhảy vào và cạnh tranh chiếm lấy thị phần”.

Hơn nữa, những hiệp định tự do thương mại như RCEP (gồm khối ASEAN cộng thêm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand) sẽ cho phép các nước còn lại cánh cửa công bằng hơn và tự do hơn để tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Từ tháng 7/2022, Trung Quốc chính thức “cấp visa” cho trái sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Đến tháng 9, lô hàng đầu tiên được xuất sang Trung Quốc theo nghị định thư. Từ đó đến nay, kim ngạch xuất khẩu đã tăng đột biến, điển hình là tháng 10 năm ngoái ghi nhận mức tăng hơn 4.000% so với cùng kỳ 2021.

Theo số liệu từ Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 835 triệu USD, chiếm 95% tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng của cả nước. Kim ngạch cả năm dự kiến đạt 1,5 tỷ USD.

Sầu riêng Việt được người tiêu dùng Trung Quốc khá ưa chuộng với lợi thế thời gian vận chuyển ngắn giúp sản phẩm tươi ngon và giá cả lại phải chăng, do đó có thế mạnh cạnh tranh lớn so với sầu Thái.

Tham khảo CNBC


(0) Bình luận
Một mặt hàng của Việt Nam hứa hẹn sẽ bùng nổ ở Trung Quốc: Từng có tháng kim ngạch xuất khẩu tăng 4.000%, có 1 lợi thế lớn so với đối thủ Thái Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO