Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam nhập khẩu hơn 13,3 triệu tấn sắt thép, trị giá trên 10,4 tỷ USD, giá trung bình đạt 782,1 USD/tấn, tăng 14,1% về lượng, nhưng giảm 12,5% kim ngạch và giảm 23,3% về giá so với năm 2022.
Riêng tháng 12/2023, nước ta nhập khẩu 1,17 triệu tấn sắt thép, tương đương gần 866,7 triệu USD, giá trung bình 740,7 USD/tấn, tăng 22,7% về lượng, tăng 6,7% về kim ngạch nhưng giảm 13% về giá so với tháng 12/2023.
Trước đó, năm 2022 Việt Nam nhập siêu sắt thép 3,93 tỷ USD. Như vậy sau lần xuất siêu đầu tiên vào năm 2021, Việt Nam đã quay trở lại nhập siêu trong năm 2022 và 2023.
Trong năm 2023, sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, với 8,2 triệu tấn, tương đương trên 5,65 tỷ USD, giá 682 USD/tấn, tăng 62,8% về lượng, tăng 13,9% kim ngạch nhưng giảm hơn 30% về giá so với năm 2022; chiếm 62,1% trong tổng lượng và chiếm 54,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Tính riêng tháng 12, nước này xuất sang Việt Nam hơn 800 nghìn tấn sắt thép, trị giá 512,8 triệu USD, tăng 98,1% về lượng và tăng 59% về giá trị so với tháng 12/2022.
Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường Nhật Bản đạt 1,9 triệu tấn, tương đương 1,44 tỷ USD, giá nhập khẩu 753 USD/tấn. Tiếp theo là thị trường Indonesia đạt 673.029 tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, giá 1.658 USD/tấn.
Thực trạng nhập khẩu sắt thép Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh hiện nay là do các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%.
Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực… đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tăng cường áp dụng triệt để các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các rào cản kỹ thuật được áp dụng rõ ràng tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Anh…
Theo hãng nghiên cứu thị trường Mysteel, sản lượng thép thô và mức tiêu thụ thép của Trung Quốc trong năm 2024 dự kiến sẽ giảm lần lượt 0,3% và 0,2% so với năm 2023.
Về phía cầu, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc - thị trường tiêu thụ thép lớn nhất nước này - có thể đã chạm đáy, nhưng nhiều khả năng khó có thể sớm phục hồi.
Mysteel ước tính trong năm 2024, xuất khẩu thép của Trung Quốc có thể giảm so với mức cao của năm 2023 dưới áp lực tăng cường các biện pháp chống bán phá giá từ các quốc gia và khu vực khác.
Đồng thời, để đảo ngược tình trạng nhập khẩu nguyên liệu luyện thép giá cao và xuất khẩu sản phẩm thép giá rẻ, Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp tăng cường giám sát thủ tục xuất khẩu thép, khiến sản lượng xuất khẩu giảm xuống.
Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc (GACC), xuất khẩu thép của Trung Quốc trong năm 2023 đạt tổng cộng 90,26 triệu tấn, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng giá trị xuất khẩu giảm 8,3% so với cùng kỳ xuống còn 84,6 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu do sự mất cân đối giữa cung và cầu trên thị trường thép trong nước khiến các doanh nghiệp thép Trung Quốc phải tìm cách xử lý hàng tồn kho thông qua xuất khẩu thép với mức giá cạnh tranh quyết liệt.