Theo Bloomberg, các nhà máy lọc dầu trên khắp thế giới đang tỏ ra “bất lực”, không thể sản xuất đủ dầu diesel để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Điều này sẽ mở ra 1 “mặt trận lạm phát” mới và khiến các nền kinh tế phụ thuộc vào loại nhiên liệu này bị ảnh hưởng nặng nề.
Những phiên gần đây, giá dầu đã tăng vọt với giá dầu tương lai lên gần 95 USD/thùng vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, đà tăng này không là gì nếu so sánh với giá diesel. Tại Mỹ, giá đã tăng lên trên 140 USD/thùng – tăng hơn 60% kể từ mùa hè và lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Đáng nói, đà tăng chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Saudi Arabia và Nga đã từ chối nâng sản lượng khai thác những loại giàu thô có thể chiết xuất được nhiều diesel hơn. Hôm 5/9, cả hai quốc gia – cũng là những nước đứng đầu liên minh OPEC+ - thông báo sẽ tiếp tục thực hiện chính sách này cho đến hết năm nay, bất chấp cuối năm là thời điểm nhu cầu nhiên liệu thường tăng cao.
“Chúng ta đang đứng trước nguy cơ thị trường tiếp tục bị thắt chặt vào mùa đông tới, đặc biệt là đối với những sản phẩm chưng cất”, Toril Bosoni, người đứng đầu mảng thị trường dầu mỏ tại Cơ quan năng lượng quốc tế IEA nhận xét.
Vốn đang ở trong tình trạng khó khăn từ nhiều tháng nay, các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu đang đứng trước rất nhiều thách thức. Trong mùa hè vừa qua, hiện tượng sóng nhiệt đã buộc nhiều nhà máy phải chạy ở công suất thấp hơn đáng kể so với bình thường.
Không chỉ diesel, nhu cầu về các sản phẩm tinh chế khác như xăng cũng đang tăng rất cao, gây áp lực lớn cho các nhà sản xuất, theo Callum Bruce, chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs.
Tất cả xảy ra trong bối cảnh hệ thống lọc dầu toàn cầu vừa trải qua một đợt thanh lọc. Một loạt nhà máy kém hiệu quả hơn đã bị đóng cửa khi Covid-19 khiến nhu cầu lao dốc. Giờ thì lực tiêu thụ đã hồi phục trở lại nhưng nhiều nhà máy không còn.
Dẫu vậy, vẫn còn những đốm sáng để hi vọng tình trạng căng thẳng sẽ sớm được giải tỏa. Với những tháng mùa đông lạnh giá hơn đang tới gần, nhìn chung thì những áp lực liên quan đến thời tiết sẽ giảm bớt, dù một số nhà máy sẽ bước vào thời kỳ bảo trì định kỳ.
Nhưng bên cạnh đó còn tồn tại những nỗi lo về nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu diesel chủ chốt. Nga – vẫn là nhà cung cấp lớn của thế giới bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây – có ý định sẽ hạn chế nguồn cung cho thị trường toàn cầu.
Một nước xuất khẩu lớn khác là Trung Quốc mới đây cũng áp hạn ngạch xuất khẩu mới, nhưng các trader và chuyên gia phân tích ở châu Á nhận định kể cả ở mức như hiện nay cũng sẽ không đủ để ngăn thị trường rơi vào trạng thái căng thẳng. Trong phần lớn năm 2023, sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc chỉ ở quanh mức thấp nhất 5 năm.
Lượng dự trữ của Mỹ và Singapore cũng đều đang ở mức thấp hơn thường lệ. Trong nhóm OCED xảy ra tình trạng tương tự.
Nguồn cung hạn chế gây ra một số hậu quả kinh tế. Giá diesel tương lai tăng lên ở Mỹ một phần là do các xe tải hạng nặng chạy đua tích tữ nhiên liệu. “Diesel là nhiên liệu để những chiếc xe container 18 bánh có thể di chuyển, vận chuyển sản phẩm từ nhà máy ra thị trường, vì thế khi giá tăng vọt sẽ đẩy chi phí vận chuyển tăng lên. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải gánh phần đó”, Clay Seigle, lãnh đạo của Rapidan Energy Group, cho hay.
Ông bổ sung thêm rằng ở thời điểm hiện tại, ngày càng có nhiều người kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái, nhưng nếu giá nhiên liệu tăng vọt sẽ làm suy yếu tiến trình đó, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả chính trường khi mà mùa bầu cử đang đến gần.
Bên cạnh đó, giá diesel tăng cao có thể thúc đẩy các công ty lọc dầu ưu tiên sản xuất loại nhiên liệu này thay vì xăng.
Tình hình có thể tệ hơn nữa đối với diesel bởi vì sức tiêu thụ mặt hàng này không tăng mạnh bằng các loại nhiên liệu khác. Báo cáo của IEA tuần trước dự đoán trong năm nay sức tiêu thụ diesel chỉ tăng khoảng 100.000 thùng mỗi ngày, so với mức gần 500.000 thùng/ngày của xăng và hơn 1 triệu thùng/ngày đối với nhiên liệu chạy máy bay và kerosene.
Tham khảo Bloomberg