Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mà từ “trí tuệ nhân tạo” (AI) được sử dụng trong mọi hoạt động tài chính hàng ngày. Làm sao để Việt Nam có thể tận dụng được cuộc cách mạng này? Hãy tìm hiểu vấn đề này cùng chúng tôi qua cuộc phỏng vấn với ông Surendra Rosha, Đồng Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Châu Á – Thái Bình Dương.
Đã có nhiều cuộc thảo luận xung quanh vấn đề công nghệ đã thay đổi cuộc sống chúng ta như thế nào. Ông có thể chia sẻ ý kiến của mình về cuộc cách mạng này trong lĩnh vực ngân hàng?
Công nghệ mới giúp chúng ta tiếp cận các dịch vụ tài chính nhanh hơn, rẻ hơn và dễ dàng hơn là điều không cần bàn cãi. Với HSBC, hành trình số hóa đã bắt đầu từ năm 1967, khi chúng tôi lắp đặt chiếc máy tính đầu tiên, một chiếc máy tính lớn hiệu IBM 360, tại trụ sở chính ở Hồng Kông. Chiếc máy ấy chỉ có bộ nhớ tối đa 8MB, song đã thay đổi cách mọi người giao dịch nhờ cho phép HSBC số hóa các hồ sơ của khách hàng. Đến năm 1980, các khách hàng của chúng tôi có thể quản lý tài khoản của mình ở bất cứ chi nhánh HSBC nào, chứ không cần phải đến đúng nơi mở tài khoản.
Một làn sóng mới hiện đang diễn ra trong ngành tài chính giúp tiếp lửa cho các nền kinh tế trên khắp thế giới. Ở nhiều quốc gia, thanh toán số được ứng dụng cho các giao dịch trên toàn cầu và ngày nay, 57% dân số thế giới đã thực hiện hoặc nhận các khoản thanh toán số. Cuộc cách mạng này giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng, giúp thương mại trở nên vô cùng hiệu quả, và cho phép các nhóm đối tượng trước đây không có tài khoản ngân hàng tiếp cận các dịch vụ tài chính. Các giao dịch không tiền mặt đã tăng trưởng theo cấp số nhân, dự kiến đạt 3 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
Làm sao Việt Nam có thể hưởng lợi từ cuộc cách mạng này?
Các nền kinh tế phát triển nhanh ở ASEAN đang nhanh chóng nắm bắt xu hướng. Cũng như cách họ bỏ điện thoại cố định và chuyển sang điện thoại thông minh, người tiêu dùng ở các thị trường này đang nhanh chóng tiến tới sử dụng các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động, các ví điện tử, thanh toán điện tử, và còn hơn thế nữa.
Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần. Tại các quầy tính tiền ở hầu hết các cửa hàng tiện lợi hoặc nhà hàng, tôi luôn bắt gặp các mã QR để sẵn phục vụ cho việc thanh toán dễ dàng của khách hàng. Giao dịch không tiền mặt ở Việt Nam năm 2022 đã tăng 89% về số lượng và 32% về giá trị so với năm 2021.
Đây là nền tảng tốt để tiếp tục số hóa hệ thống tài chính tại Việt Nam, từ đó giúp toàn bộ nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo số liệu của NHNN, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15 nghìn tỷ đồng cho chuyển đổi số.
Những dữ liệu này hỗ trợ cho những bước tiến mạnh mẽ hơn trong ngành ngân hàng số tại Việt Nam, kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội và dư địa tăng trưởng lớn trong lĩnh vực này.
Vậy chiến lược số hóa của HSBC trên toàn cầu và tại Việt Nam là gì?
Chúng tôi lắng nghe nhu cầu về chuyển đổi từ các nhà đầu tư, các đối tác kinh doanh và các khách hàng của mình và đã cam kết triển khai những bước đi trong phát triển số đối với chính ngân hàng, đồng thời tiến hành đầu tư để thực hiện cam kết đó. Điều đó đã mang lại kết quả. Tôi vui mừng thông báo rằng dự án chuyển đổi công nghệ kéo dài nhiều năm của chúng tôi đã giúp Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của HSBC tăng từ một con số lên mức hai con số.
Tại Việt Nam, có hai lĩnh vực chính mà số hóa mang lại lợi nhuận lớn và tăng khả năng tiếp cận tài chính. Ở trên, tôi vừa nhắc đến khía cạnh người tiêu dùng. Ngoài ra, còn một khía cạnh khác là thương mại quốc tế. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới với tổng giá trị thương mại năm 2022 đạt 181% GDP. Là một trong những ngân hàng quốc tế lớn nhất toàn cầu, hoạt động tại hơn 60 thị trường, HSBC có vị thế lý tưởng để hỗ trợ Việt Nam torng lĩnh vực này.
Ví dụ, HSBC cùng với Ngân hàng Vietcombank đã thực hiện thí điểm thành công giao dịch Tín dụng thư nội địa trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2020. Bằng cách sử dụng nền tảng Contour, nền tảng cho phép số hóa toàn diện hoạt động tài trợ thương mại, một giao dịch thường mất từ 3 đến 5 ngày làm việc đã được hoàn thành trong 27 phút.
Chúng ta không thể nói về kinh tế số mà không đề cập đến AI. Đây là lĩnh vực mà HSBC đã ứng dụng bởi vì AI mang tầm ảnh hưởng lớn trong ngành. Chúng tôi sử dụng AI để đánh giá rủi ro, tạo ra các sản phẩm tài chính mới có tính thương mại, và quản lý giao dịch. Đội ngũ HSBC tại Việt Nam giờ đây có thể sử dụng AI để phát hiện những dấu hiệu tội phạm tài chính, theo dõi các cuộc gọi của tổng đài để nâng cao chất lượng dịch vụ, và nhiều ứng dụng khác.
Đâu là những thách thức lớn?
Có rất nhiều câu hỏi mà ngành tài chính cần phải trả lời. Làm sao để phát triển nhưng vẫn bảo vệ mình khỏi những rủi ro? Làm sao để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong lĩnh vực tài sản ảo, loại tài sản gắn kết giá trị và quyền sở hữu với nhau thông qua phương thức định danh tài sản số và có thể được truyền đi khắp thế giới gần như ngay lập tức? Làm sao chúng ta sử dụng AI để nâng cao hiệu quả tài chính mà không gây ra sự cố?
Blockchain có thể thay đổi ngành tài chính, song cùng lúc đó, một số đồng tiền ảo dựa trên công nghệ này trở thành điểm nóng cho sự biến động và đầu cơ. Sự bùng nổ gian lận thông qua các kênh mới phức tạp cũng xuất hiện, gây khó và khiến cho các nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý rất đau đầu.
HSBC tin rằng việc thiết lập khung pháp lý toàn diện là điều kiện tiên quyết, đặc biệt khi có sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân. Nhưng việc phát triển các hướng dẫn cụ thể đòi hỏi hiểu biết chi tiết đối với mặt được lẫn chưa được của các công nghệ mới mà vột vài trong số đó vẫn chưa hoàn thiện.
Xét cho cùng thì lĩnh vực ngân hàng là nhằm giúp khách hàng tìm cơ hội mới, đồng thời dự đoán và kiểm soát rủi ro tài chính. Chúng tôi phải đảm bảo hợp tác chặt chẽ với khách hàng và các chính phủ trên thế giới để tận dụng được các tiến bộ công nghệ mới nhất, đồng thời đáp ứng được những nhu cầu của khách hàng và kiểm soát những rủi ro mới.
Tôi tin rằng chúng ta đều có chung một mục tiêu cuối cùng là tiến đến một nền kinh tế số có lợi nhuận, bền vững và an toàn. Tôi cho rằng chúng ta sẽ đạt được điều đó, và những quốc gia như Việt Nam sẽ giúp chúng ta tìm ra con đường đi đến mục tiêu này.
Xin cảm ơn ông rất nhiều.