Trong những năm gần đây, xe điện Trung Quốc trở thành thách thức mới của ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng hơn 50% chỉ trong vòng 2 năm qua, đưa nước này lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu ô tô và sánh ngang với các cường quốc lâu đời là Nhật Bản, Đức và Mỹ. Điều này cho thấy trong tương lai, người Mỹ sẽ muốn lái một chiếc xe "Made in China" thay vì những thương hiệu khác.
Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng hơn gấp ba lần trong nửa thập kỷ qua, chủ yếu đến các nước đang phát triển. Nhưng điều đó đang dần thay đổi.
Geely, gã khổng lồ ô tô Trung Quốc đang sở hữu Volvo, đã nhắm thẳng vào thị trường Mỹ với một khái niệm và thương hiệu hoàn toàn mới.
Alain Visser, Giám đốc điều hành của Lynk, công ty con mới của Geely, nói rằng kế hoạch không chỉ thay đổi phương tiện người Mỹ lái mà còn cả cách họ sử dụng chúng. Lynk đang tham vọng tự biến mình trở thành “Netflix của ngành công nghiệp ô tô”.
Một trong những điểm đáng chú ý của Lynk tại Mỹ là chính sách cho thuê xe mỗi tháng, giống như tham gia Spotify hay Netflix, với phí thuê bao hàng tháng và ít ràng buộc. Với một khoản phí cố định khoảng 600 USD/tháng (tương đương 14 triệu đồng/tháng), khách hàng tại Mỹ có thể thuê một chiếc xe Lynk. Số tiền hàng tháng đó bao gồm phí bảo trì, bảo hiểm và khách hàng có thể hủy hợp đồng bất kỳ lúc nào họ muốn.
Theo hãng xe Trung Quốc, nhiều khách hàng muốn sử dụng ô tô nhưng không nhất thiết phải mua xe.
“Bạn đăng ký thành viên và có thể lấy xe trong vòng 1 tháng và hủy hoặc hoãn bất kỳ lúc nào. Bạn cũng có thể chọn xe mới hoặc xe đã qua sử dụng. Chẳng hạn, bạn có thể chọn thuê một chiếc ô tô mới và sử dụng nó trong vòng 4 tháng, sau đó, chiếc xe sẽ được chuyển đến tay một khách hàng lựa chọn thuê xe đã qua sử dụng”, Visser cho hay.
Ứng dụng Lynk cũng cho phép khách hàng chia sẻ việc sử dụng phương tiện của họ khi không sử dụng đến xe. Trong trường hợp này, họ sẽ nhận được tiền hoàn lại. Nguyên tắc hoạt động này giống với những gì Netflix đang làm - cho khách hàng mua gói thuê bao hàng tháng và có thể chia sẻ tài khoản của mình với những người khác.
Khi được hỏi tại sao chưa áp dụng chính sách độc đáo này tại Trung Quốc, giám đốc của Lynk cho hay khách hàng tại Trung Quốc còn rất trẻ và đối với họ, việc sở hữu một chiếc ô tô là điều cực kỳ quan trọng. Thay vào đó, khách hàng châu Âu và Mỹ lại không thích sở hữu xe, mà chỉ muốn có một phương tiện để di chuyển.
Giám đốc điều hành Lynk cho hay: “Chúng tôi hiện có một số khách hàng tiềm năng ở châu Âu – những người thực sự kiếm được nhiều tiền hơn từ việc chia sẻ xe với người khác”. Theo kế hoạch, những mẫu xe điện đầu tiên của Lynk sẽ được bán ra thị trường Mỹ sớm nhất là trong năm tới.
Visser thừa nhận hãng xe sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai nhưng ông tin rằng chính sách độc đáo của hãng xe thu hút được nhiều người dùng tại Mỹ. "Tôi tin tương lai của ngành bán lẻ sẽ là sự kết hợp giữa online và offline. Nhưng offline cần phải có sự trải nghiệm và không nhiều hãng xe hiểu được điều này".
Mỹ được xem là một trong những thị trường ô tô khó tính nhất trên thế giới, nhưng có hai điều chắc chắn: Con đường phía trước của ngành ô tô là xe điện và Trung Quốc đang cho thấy những bước tiến rất nhanh.
Tham khảo: CBS News