“Chúng tôi là một doanh nghiệp lâu đời, đã có lịch sử 62 năm. Đây vừa là lợi thế, nhưng đồng thời lại là thách thức rất lớn. Chúng tôi quan niệm rằng một doanh nghiệp như vậy phải thực hiện đổi mới sáng tạo (ĐMST), đặc biệt là ĐMST mở. ĐMST phải được dẫn dắt bởi tri thức và nhận được sự cộng hưởng từ quần chúng”, ông Nguyễn Đoàn Kết – Phó Tổng Giám đốc CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo Đổi mới sáng tạo 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, NIC, BambuUP và Global PR Hub đồng tổ chức.
Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông chính thức được thành lập vào tháng 2/1961, là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam và cả Đông Dương sản xuất bóng đèn phích nước.
Theo thông tin trên website công ty, Rạng Đông từng bên bờ vực phá sản vào thời kỳ 1987-1989, nhưng ngay sau đó đã tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại lao động và công ty bắt đầu có lãi vào giai đoạn 1990-1993. Từ năm 1998 đến 2004, Rạng Đông tiến hành hiện đại hóa công ty, chuẩn bị hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Nguyễn Đoàn Kết cho biết từ năm 2011, Rạng Đông đã từng bước hình thành 3 trung tâm nghiên cứu.
Thứ nhất là trung tâm chuyên nghiên cứu về công nghệ ánh sáng, các khoa học liên ngành như vật lý - vật liệu, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo… Trung tâm thứ 2 nghiên cứu về công nghệ số (IoT, big data, AI, blockchain…). Và cuối cùng là trung tâm chuyên nghiên cứu về các mô hình kinh doanh mới.
“3 trung tâm này đóng vai trò là “hub” để tiếp thu tri thức từ bên ngoài, thẩm thấu vào môi trường bên trong. Đây cũng là nơi để các nhà khoa học thực hiện trải nghiệm những ý tưởng mới, đồng thời phát triển và đào tạo nguồn nhân lực.
3 trung tâm nghiên cứu còn là nơi Rạng Đông thực hiện những đề tài cấp nhà nước, tạo ra sự đồng sáng tạo của Rạng Đông với các đối tác bên ngoài, bao gồm những trường đại học, viện hàn lâm và đối tác quốc tế như Samsung, hay các tập đoàn trong nước như FPT, Viettel, VNPT…”, lãnh đạo của Rạng Đông trình bày.
Nhờ đó, công ty từng bước phát triển hơn, bắt đầu từ những nhóm công nhân, kỹ sư làm việc cải tiến trên các dây chuyền sản xuất, rồi hình thành nên những đội nhóm đa chức năng, linh hoạt, được phân quyền rất cao và khoán chi phí để thực hiện các nhiệm vụ.
“Về mặt sản xuất, đầu tiên chúng tôi chỉ cải tiến những dây chuyền bán tự động để giúp giải phóng sức lao động. Dần dần, chúng tôi đã nghiên cứu tự thiết kế, sản xuất các dây chuyền tự động, được ứng dụng những công nghệ cao, từng bước xây dựng nên các hệ thống SCADA (điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu), MIS (hệ thống thông tin quản lý), tiến tới xây dựng hệ thống sản xuất thông minh”, ông Kết cho hay.
Sau 3 năm chuyển đổi số, nhờ hệ thống sản xuất thông minh, Rạng Đông đã vượt qua thời kỳ Covid-19 đầy khó khăn. Bất chấp chuỗi cung ứng đứt gãy, công ty vẫn đáp ứng được 100% số đơn hàng xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng đạt 25-27%/năm, sản xuất không có hàng tồn kho, hàng không lỗi.
Bên cạnh đó, năng suất lao động bình quân tăng gấp đôi, có những khâu tăng đến 4-5 lần. Thời gian sản xuất cùng một sản phẩm giảm 10%, giá thành giảm được 6,2%, giải phóng được 6.000 mặt bằng kho ở Hà Nội.
“Với những ứng dụng công nghệ cao, chúng tôi đã từng bước nâng cao trình độ tự động hóa, đưa vào những smart home, smart city, smart farm và thương mại hóa rất thành công. Chúng tôi cho rằng đó chính là mô hình đổi mới sáng tạo mở”, ông Kết bày tỏ.
Hồi tháng 12/2022, tại sự kiện FPT Techday, Phó Tổng Giám đốc Rạng Đông cho biết mục tiêu đến năm 2025 của công ty là trở thành doanh nghiệp dẫn dắt thị trường ngành chiếu sáng, năm 2030 trở thành đơn vị tầm cỡ châu lục và quốc tế.