Ngày 20/6 tới đây, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, mã chứng khoán: VEA) sẽ thực hiện họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Theo tài liệu đã công bố, VEAM đặt mục tiêu doanh thu của Công ty mẹ năm 2023 ở mức 1.187 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với mức thực hiện của năm 2022. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 1% lên mức 5.694 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo, VEAM đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng mạnh với việc doanh thu bán hàng từ các sản phẩm công nghiệp tăng tốt gắn với tập trung tiêu thụ xe tồn kho lâu năm tại VM và sản xuất dòng xe tải mới tiêu chuẩn khí thải Euro5 và khai thác công nghiệp phụ trợ. Doanh thu thương mại và dịch vụ cũng đặt mục tiêu tăng 61% song chiếm tỷ trọng thấp. Về chỉ tiêu lợi nhuận, VEAM biết dự kiến các hoạt động đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn tiếp tục đạt hiệu quả cao nhưng do dự kiến sẽ trích lập một số khoản dự phòng trong năm nay nên lợi nhuận chỉ tăng nhẹ. Đây là các khoản trích lập này chưa được thực hiện trong năm 2022 và các năm trước đây.
Thực tế, phần lớn lợi nhuận hàng năm của VEAM đến từ các công ty liên doanh. Tại thời điểm cuối quý 1/2023, VEAM đang nắm giữ 30% vốn góp tại Công ty Honda Việt Nam, 20% tại Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và 25% tại Công ty TNHH Ford Việt Nam – đều là những hãng xe có lượng tiêu thụ hàng đầu tại Việt Nam.
Trong năm 2023, đối với các công ty con, công ty liên kết (không bao gồm các công ty liên doanh), chỉ tiêu chung dự kiến với giá trị sản xuất công nghiệp gần 3,528 tỷ đồng; tổng doanh thu bán hàng 4,518 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế gần 242 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2023, VEAM sẽ tập trung tìm phương án, chính sách bán hàng để xử lý dứt điểm đối với các sản phẩm xe Changan và máy kéo ISEKI tồn kho. Đồng thời, sẽ đôn đốc thu hồi công nợ, trong đó có các biện pháp tái cơ cấu công ty con để có nguồn trả nợ hoặc có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh để trả nợ, yêu cầu các đơn vị dùng mọi nguồn lực, xây dựng kế hoạch trả nợ Tổng Công ty; tăng cường quản lý chặt chẽ đối với các đơn vị bị lỗ kéo dài như Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp (TAMAC) và Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty sẽ hoàn thiện đề án tái cơ cấu với mục tiêu cổ phần hoá một số công ty TNHH, thoái vốn ở các đơn vị có vốn góp nhưng đang hoạt động không hiệu quả và có ngành nghề hoạt động không tập trung vào định hướng phát triển trong tương lai, khắc phục tình trạng sở hữu chéo giữa các đơn vị có vốn góp của VEAM.
Nhìn lại năm 2022, doanh thu thuần Tổng công ty đạt 4.747 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 7.665 tỷ đồng – tăng 32% so với năm 2021, cao nhất từ trước tới nay. EPS đạt 5.709 đồng. Doanh nghiệp nắm giữ hơn 15.000 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng, chiếm 53% tổng tài sản và thuộc top nhiều "của để dành" nhất trên sàn chứng khoán.
Với kết quả này, VEAM sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 37,3%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận 3.734,29 đồng.
Với hơn 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành dự kiến VEAM sẽ chi gần 5.000 tỷ đồng để hoàn thành thanh toán.
Một nội dung đáng chú ý khác cũng sẽ được trình lên Đại hội cổ đông là việc tiếp tục triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu VEA tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE). Kế hoạch này đã được ĐHĐCĐ năm 2022 thông qua, nhưng VEAM vẫn chưa hoàn thành kế hoạch do chưa đáp ứng đầy đủ quy định về niêm yết.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VEA chốt phiên 31/5 đạt 38.000 đồng/cổ phiếu.