Một cổ phiếu ngân hàng tăng 25% trong tuần qua, nhiều mã hồi phục 40-50% từ đáy

08:07 04/12/2022

Với đà hồi phục thời gian gần đây, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng 40-50% từ đáy tháng 10, tháng 11.

Một cổ phiếu ngân hàng tăng 25% trong tuần qua, nhiều mã hồi phục 40-50% từ đáy

Cổ phiếu ngân hàng hồi phục mạnh mẽ

Cổ phiếu ngân hàng vừa trải qua tuần giao dịch tích cực nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Từ ngày 28/11-2/12, trong 27 mã ngân hàng thì có tới 26 mã tăng giá. Chỉ duy nhất SGB giảm giá, tuy nhiên mức giảm nhẹ -1,5%.

Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm ngành này là TCB, tăng tới 25% trong tuần qua. Đồng thời, TCB ghi nhận phiên tăng thứ 8 liên tiếp với mức tăng tổng cộng 31,8%.

Thanh khoản TCB cũng tăng mạnh trong tuần qua với giá trị khớp lệnh hơn 1.300 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tuần trước (21-25/11). Ngoài ra, theo phương thức thoả thuận, một lượng lớn cổ phiếu đã được trao tay giữa các nhà đầu tư tuần qua, giá trị hơn 420 tỷ đồng.

Một cổ phiếu khác cũng tăng trên 20% tuần qua là SHB. Cổ phiếu này ghi nhận 4 phiên đóng cửa trong sắc xanh, đưa thị giá chốt tuần tuần ở mức 11.200 đồng/cp. Thanh khoản của SHB đạt hơn 1.400 tỷ đồng, gần gấp 3 lần tuần trước.

Cổ phiếu SHB cũng được nhà đầu tư nước ngoài gom khá mạnh, mua ròng hơn 3 triệu đơn vị trong tuần qua.

Các cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo còn có ABB (17,1%), VIB (16,9%), VCB (16,3%), MBB (16%), LPB (14,1%),….

Với đà hồi phục thời gian gần đây, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng 40-50% từ đáy tháng 10, tháng 11. Chẳng hạn, CTG kết phiên 2/12 ở mức 27.950 đồng, tăng 41% so với đáy 19.800 đồng (11/10). TCB cũng đã tăng gần 40% so với đáy 20.700 đồng (15/11), LPB tăng 50% kể từ đáy 8.128 đồng (24/10), SHB tăng 45% kể từ đáy 7.701 đồng (15/11).

Thanh khoản tăng mạnh, khối ngoại tích cực gom

Thanh khoản cổ phiếu toàn ngành tuần qua đạt gần 16.500 tỷ đồng, tương đương gần 3.300 tỷ đồng/phiên, tăng 77% so với tuần trước. Trong tuần 21-25/11, giá trị giao dịch khớp lệnh chỉ đạt 9.300 tỷ đồng.

STB vẫn là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất, với giá trị giao dịch đạt hơn 2.900 tỷ đồng. Tiếp đến là VPB (gần 1.900 tỷ), MBB (hơn 1.500 tỷ), SHB (hơn 1.400 tỷ), TCB (hơn 1.300 tỷ), CTG (hơn 1.200 tỷ). Ngoài ra, TPB, LPB cũng có giá trị giao dịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Khối ngoại chủ yếu gom ròng cổ phiếu ngân hàng tuần qua, trong đó STB vẫn được nhà đầu tư nước ngoài “săn đón”. Cổ phiếu này có khối lượng mua ròng tới gần 40 triệu cp, giá trị hơn 800 tỷ đồng. Khối ngoại đã mua ròng STB trong 8 phiên liên tiếp với giá trị giao dịch ròng 960 tỷ đồng.

CTG cũng được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 13 triệu cp trong tuần qua, giá trị hơn 360 tỷ đồng. Các mã được mua ròng tiếp theo là VCB (hơn 3,2 triệu cp, gần 260 tỷ đồng), BID (2,8 triệu cp, giá trị 117 tỷ đồng).

cpbank2811.png

Theo Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua theo dõi tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các TCTD cho thấy đến nay, (tại 23/11) tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống năm 2022 khoảng 14%. Những ngân hàng lớn, năng lực tài chính đảm bảo đạt các yêu cầu theo đánh giá của cơ quan quản lý, đang được giao hỗ trợ tái cơ các ngân hàng TMCP 0 đồng, ngân hàng diện kiểm soát đặc biệt và hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân, đã được NHNN điều chỉnh hạn mức tín dụng thêm hàng nghìn tỷ đồng.

Một thông tin quan trọng khác của nhóm ngân hàng là Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Theo dự kiến, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém có thể được nới lên 49% thay vì 30% như hiện nay.

Lãi suất huy động của các ngân hàng tư nhân vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong khi một số ngân hàng bất ngờ tuyên bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, trong đó có Vietcombank, HDBank, Agribank.


(0) Bình luận
Một cổ phiếu ngân hàng tăng 25% trong tuần qua, nhiều mã hồi phục 40-50% từ đáy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO