Một 'báu vật trời ban' đưa Việt Nam và Thái Lan vào cuộc đua gay gắt chưa từng có: Giá tăng cao kỷ lục chỉ trong 1 năm, nước ta nắm giữ 1 lợi thế áp đảo

Như Quỳnh | 12:08 07/08/2024

Cùng sở hữu mặt hàng thế giới đang lên cơn khát, Việt Nam và Thái Lan đang cạnh tranh ra sao?

Một 'báu vật trời ban' đưa Việt Nam và Thái Lan vào cuộc đua gay gắt chưa từng có: Giá tăng cao kỷ lục chỉ trong 1 năm, nước ta nắm giữ 1 lợi thế áp đảo
Ảnh minh họa

Thị trường lương thực toàn cầu đã chứng kiến cú sốc khi Tổng cục Ngoại thương, Bộ Công Thương Ấn Độ ra thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, trừ gạo trắng basmati. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày 20/7.

Ấn Độ trở thành cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới từ năm 2012 và hiện nước này xuất khẩu gạo sang hơn 140 quốc gia. Trong năm tài khóa 2022 - 2023, Ấn Độ chiếm hơn 40% trong tổng lượng gạo xuất khẩu 55,4 triệu tấn của thế giới, đạt kỷ lục xuất khẩu hơn 22,2 triệu tấn.

Lượng xuất khẩu này nhiều hơn tổng lượng gạo xuất khẩu của 4 nhà xuất khẩu lớn tiếp theo trên thế giới là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại.

Ngay sau lệnh cấm, các quốc gia đã đổ xô đến các nhà cung cấp khác để tìm nguồn cung thâm hụt từ Ấn Độ, trong đó Thái Lan và Việt Nam nổi lên là 2 nhà cung cấp sáng giá. Điều này đã tạo ra một cuộc đua gay gắt chưa từng có đối với 2 "thủ phủ" gạo hàng đầu thế giới.

Cạnh tranh gay gắt về giá

Việt Nam được hưởng lợi lớn sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ với sản lượng xuất khẩu tăng vọt trong năm 2023. Kết năm, nước ta đã xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo, tăng 14,4% về lượng. Trị giá đạt 4,67 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá gạo cũng đã chứng kiến biến động mạnh trong 1 năm trở lại đây. Nếu như trước đây, gạo Việt luôn có giá thấp hơn so với Thái Lan thì đến thời điểm đầu tháng 11/2023, giá gạo Việt Nam 5% tấm đã đạt mức kỷ lục 655 - 660 USD/tấn, mức cao nhất lịch sử xuất khẩu kể từ năm 2008 (thời điểm giá gạo đạt 1.000 USD/tấn tuy nhiên nước ta tạm dừng xuất khẩu).

Trong cùng thời điểm, giá gạo 5% tấm Thái Lan đạt 561 USD/tấn, ngược chiều so với đà tăng trưởng của Việt Nam. Như vậy, gạo 5% tấm của Việt Nam trong thời điểm này đã cao hơn gạo của Thái Lan đến 92 USD/tấn.

c3.png
Nguồn: FAO

Tuy nhiên mức tăng trưởng này chỉ là nhất thời và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đã trở về mức thấp hơn so với Thái Lan tương tự xu hướng trước đây.

Tính tới thời điểm đầu tháng 8, giá xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan vẫn giữ vị trí cao nhất thế giới với 593 USD/tấn. Pakistan đứng thứ 2 với mức giá dao động từ 574 – 578 USD/tấn và gạo Việt Nam 5% tấm đứng thứ 3 với 559 – 563 USD/tấn.

Nguyên nhân của mức giá xuất khẩu thấp hơn so với Thái Lan là bởi nước ta có lợi thế năng suất lúa gạo lớn. Cụ thể, năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ, bởi vậy giá gạo xuất khẩu thường rẻ hơn nhằm cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu lớn khác.

Còn theo so sánh của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năng suất gạo trung bình của Thái Lan là 400-500 kg/rai (1.600 m2) trong khi của Việt Nam là 700-900 kg/rai. Năng suất của Việt Nam lớn hơn khiến nước ta có lợi thế giá rẻ hơn, thu hút khách hàng nhập khẩu trong đó có Philippines – quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Sản lượng gạo Việt Nam áp đảo dù diện tích nhỏ hơn

Không chỉ áp đảo về năng suất lúa gạo, sản lượng gạo của Việt Nam cũng vượt xa so với Thái Lan. Theo số liệu từ Statista, năm 2023, sản lượng của nước ta đạt gần 27 triệu tấn, gần gấp 1,3 lần so với Thái Lan. Đáng chú ý trong năm 2019, sản lượng gạo của nước ta gấp 1,5 lần so với láng giềng, chênh lệch cao nhất trong 5 năm gần đây.

Về diện tích trồng, Thái Lan trong niên vụ 2023-2024 đạt khoảng 9,98 triệu ha, giảm 0,96% so với năm trước do thời tiết thay đổi khiến mưa đến muộn. Dự kiến sản lượng lúa gạo sẽ cao hơn trong quý cuối năm do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino đã giảm bớt.

c1.png
Nguồn: Statista

Đối với Việt Nam, diện tích lúa cả năm 2023 ước đạt 7,12 triệu ha (tính gộp cả 3 vụ), tăng 10,1 nghìn ha so với năm trước. Năng suất lúa bình quân trong năm 2023 ước đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với năm 2022. Tổng sản lượng lúa thu hoạch năm 2023 cao kỷ lục, đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn so với năm trước".

Cuộc so kè tại nước nhập khẩu lớn nhất thế giới

Tại Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại, vụ thu hoạch kém đã buộc quốc gia này phải tăng mạnh nhập khẩu và cắt giảm thuế quan để kiềm chế giá cả trong nước.

Theo USDA, nước này dự kiến nhập khẩu 4,1 triệu tấn gạo trong năm nay sau khi đã nhập 3,2 triệu tấn gạo trong năm 2023. Cả 2 con số này đều cao hơn nhiều so với mức trung bình từ 2 đến 2,5 triệu tấn trước đây. Manila cũng đã cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15% hồi tháng 6.

Động thái này đã thúc đẩy Việt Nam và Thái Lan – lần lượt là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 và 2 thế giới – tiếp cận Manila để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng của Philippines.

c1(1).png
Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn nhất tại Philippines

Theo USDA, Việt Nam đã xuất khẩu 3,2 triệu tấn gạo sang Philippines trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam thường cung cấp khoảng 80% lượng gạo nhập khẩu hàng năm của Philippines.

Gần đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Dracisco Tiu Laurel Jr. đã gặp mặt và hai bên nhất trí rằng Việt Nam sẽ cải thiện chất lượng gạo và tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nước bạn.

Trong khi đó, các quan chức cao cấp của Bộ Thương mại Thái Lan và Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan đã gặp Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) hôm 10/7 để ký biên bản ghi nhớ việc Manila sẽ nhập khẩu ít nhất 130.000 tấn gạo Thái Lan trong nửa cuối năm 2024.

Theo Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, quốc gia này đã xuất khẩu 300.000 tấn gạo sang Philippines trong 6 tháng đầu năm, tăng 388% so với khoảng 62.000 tấn trong cùng kỳ năm ngoái và khoảng 100.000 tấn trong cả năm 2023.

Các nhà giao dịch cho hay thành công của Thái Lan trong việc thúc đẩy xuất khẩu sang Philippines sẽ là lời cảnh tỉnh cho gạo Việt Nam. Mặc dù Việt Nam là nhà cung cấp truyền thống cho Philippines nhưng năm nay, Việt Nam sẽ phải tích cực hơn vì sự cạnh tranh gia tăng.

Tại các quốc gia nhập khẩu gạo lớn khác trong khu vực như Indonesia, Singapore… gạo Thái Lan không thể cạnh tranh được với gạo Việt Nam, khi gạo Việt chiếm 70-85% lượng gạo nhập khẩu của các quốc gia này. Mặc dù, gạo Thái Lan đã rất quyết liệt trong đấu thầu hoặc tìm đơn hàng, nhưng chỉ chiếm được 10-20% thị phần tại đây…

Theo chuyên trang thị trường lúa gạo SSricenews, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa công bố kết quả mở thầu gạo tháng 7/2024 với số lượng 320.000 tấn. Tại đợt mở thầu này, các doanh nghiệp gạo của Việt Nam, Thái Lan và Mayanmar cùng quyết liệt tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, phần thắng đã thuộc về Việt Nam, trong khi Thái Lan không giành được gói thầu nào do giá chào bán khá cao từ 584 - 598 USD/tấn. 

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam thắng 7 trên tổng số 12 gói thầu. Tổng số lượng gạo mà các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu là 185.000 tấn. Các doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể như VINAFOOD 1 chào giá gạo từ 567,5 - 577,5 USD/tấn, VINAFOOD 2 chào từ 579,5 - 598 USD/tấn. 

Hiện cả Philippines và Indonesia đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ các nước láng giềng do nguồn cung trong nước sụt giảm. Việt Nam và Thái Lan đang cạnh tranh quyết liệt để nâng cao thị phần gạo tại các nước này và mở rộng thêm các thị trường khác.

Tuy nhiên, dường như Thái Lan thua 1 bước so với nước ta khi chỉ chiếm 10 - 20% thị phần tại 2 thị trường lớn nhất trong khi Việt Nam đã chiếm tới 70-85% thị phần.


(0) Bình luận
Một 'báu vật trời ban' đưa Việt Nam và Thái Lan vào cuộc đua gay gắt chưa từng có: Giá tăng cao kỷ lục chỉ trong 1 năm, nước ta nắm giữ 1 lợi thế áp đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO