Mỗi người dân Việt Nam “gánh” 37 triệu đồng nợ công

Dương Trang | 22:22 23/08/2022

Theo Bộ Tài chính, nợ công của cả nước năm 2021 đã thấp so với nhiều năm trước đó và cách xa mức trần 60% GDP Quốc hội cho phép, tính bình quân mỗi người dân Việt Nam "gánh" 37 triệu đồng tiền nợ công.

Mỗi người dân Việt Nam “gánh” 37 triệu đồng nợ công
Nợ công của cả nước năm 2021 đã thấp so với nhiều năm trước đó và cách xa mức trần 60% GDP Quốc hội cho phép.

Bản tin nợ công Bộ Tài chính vừa cập nhật cho biết, số nợ công của Việt Nam năm 2021 giảm xuống chỉ còn 43,1% so với mực 55,9% năm 2020 và mức cao nhất 61,4% năm 2017.

Đây là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế. Số nợ công của Việt Nam cũng thấp hơn khá nhiều so với mức trần nợ công 60%/ GDP mà Quốc hội cho phép.

Với quy mô GDP năm 2021 đạt 368 tỷ USD, số nợ công tuyệt đối/GDP của Việt Nam ước đạt khoảng 158,6 tỷ USD. So với số dân tính đến hết ngày 31/12/2021 vào khoảng 98,5 triệu người, số nợ công/người dân Việt Nam là khoảng 37 triệu đồng.

Đáng chú ý là tỷ lệ nợ Chính phủ/ GDP giảm mạnh qua các năm qua từ 51,7%/GDP (2017) xuống 39,1%/GDP (năm 2021); trong khi đó, nợ do Chính phủ bảo lãnh của doanh nghiệp, tổ chức thuộc Chính phủ giảm từ 9,1%/GDP (2017) xuống 3,8%/GDP (năm 2021), nợ nước ngoài của quốc gia đến hết năm 2021 còn 38,4% GDP so với mức 49% GDP năm 2017…

So với 5 năm trước (2017), tỷ lệ nợ công của Việt Nam vượt trần trên 61,4% thì tỷ lệ nợ công năm 2021 giảm xuống còn 43,1%/GDP là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, nếu xét trên số nợ công tuyệt đối, nợ công/GDP của Việt Nam gia tăng khá nhanh trong những năm gần đây, từ mức 137,4 tỷ USD năm 2017 lên 158,6 tỷ USD năm 2021. Sau 5 năm (2017-2021) số nợ công tuyệt đối của Việt Nam tăng 21,2 tỷ USD, bình quân mỗi năm nợ công tăng trên 4,2 tỷ USD.

Số nợ công trên đầu người từ đó cũng tăng, bất chấp tỷ lệ nợ công/GDP giảm khá mạnh. Cụ thể, nếu năm 2017, số nợ công/người của Việt Nam chỉ 33,7 triệu đồng/người, năm 2021, nợ công/người của Việt Nam đã lên đến 37 triệu đồng/người. Các năm 2018 và 2019, số nợ công trung bình đạt 34 triệu đồng/người, năm 2020 số nợ công là khoảng 35,3 triệu đồng/người.

Theo giới chuyên gia, tỷ lệ nợ công/GDP giảm là do quy mô GDP của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây, trong 5 năm từ 2017 - 2021, GDP tăng 1,6 lần, tăng 114 tỷ USD.

Trong khi đó, số nợ công tuyệt đối tăng thêm 21,2 tỷ USD, khoảng 1,1 lần, không nhiều so với số tăng GDP, chính vì vậy đã khiến tỷ lệ nợ công/GDP giảm.

Tuy nhiên, lo ngại chính là dân số Việt Nam 5 năm qua dù đã tăng thêm 4,8 triệu người, bình quân tăng gần 1 triệu người/năm, nhưng số nợ công không giảm. Số liệu nợ công tuyệt đối giai đoạn 5 năm 2017-2021, tăng 21,2 tỷ USD, bình quân trên 4,2 tỷ USD/năm.

Như vậy, số dân tăng, số nợ công/người cũng tăng, điều này cho thấy mỗi người Việt sinh ra đều phải ghé vai gánh trách nhiệm trả nợ. Trong trường hợp, số dân tăng chậm đi, có thể gánh nặng trả nợ/người dân sẽ tăng thêm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc tổ chức mô hình cơ quan quản lý nợ cũng hết sức đa dạng, có nhiều cách tiếp cận, phương thức quản lý nợ khác nhau. Nhiều quốc gia đã lựa chọn thiết lập cơ quan quản lý nợ công (DMO) để tập trung các chức năng quản lý nợ nhằm đạt đến trình độ chuyên nghiệp hóa cao.

Đơn cử như Áo, Phần Lan, Ai-len, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Đức, Hungary và Anh chọn thiết lập một cơ quan quản lý nợ độc lập. Còn Úc, Bỉ, Canada, Pháp, Hà Lan, New Zealand, Ba Lan và Mỹ thiết lập văn phòng quản lý nợ công riêng biệt nhưng hoạt động dưới Bộ Tài chính.

Các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng đã thiết lập văn phòng quản lý nợ công riêng biệt như Thái Lan, Philippines, Indonesia. Mục tiêu chung trong việc hình thành văn phòng quản lý nợ công là đảm bảo thực hiện nhất quán, đồng bộ, kiểm soát toàn diện rủi ro phát sinh từ việc vay nợ, thực hiện các chính sách quản lý nợ, kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ.

“Việc nghiên cứu phát triển mô hình DMO với đầy đủ chức năng theo thông lệ quốc tế phù hợp với trình độ phát triển nhu cầu quản lý của Việt Nam trong từng giai đoạn là cần thiết. Song song với cải cách thể chế, sẽ tiếp tục hoàn thiện công cụ quản lý nợ, cơ chế kiểm soát rủi ro đảm bảo dư địa tài khóa và chính sách để phấn đấu mục tiêu nêu trên”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Mỗi người dân Việt Nam “gánh” 37 triệu đồng nợ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO