Môi giới “sống khoẻ” thời khó nhờ bán căn hộ chuyển nhượng

Triệu Vương | 07:08 09/07/2023

Trung bình mỗi tháng giao dịch từ 1-2 căn hộ giúp nhiều môi giới nhận khoản thu nhập ổn định, đều đặn. Thế nên, ngay cả khi thị trường lao đao, không ít môi giới vẫn “sống khoẻ” nhờ lựa chọn đúng thị phần giao dịch.

Môi giới “sống khoẻ” thời khó nhờ bán căn hộ chuyển nhượng

“Thu nhập sẽ không có sự đột biến, chỉ có sự ổn định và đều đặn”, đó là chia sẻ của môi giới tên Lan tại khu đô thị Vinhomes Smart City tại Nam Từ Liêm (Hà Nội). “Bám” nghề từ năm 2017 chuyên dòng sản phẩm chung cư. Đến năm 2020, Lan chuyển hướng chỉ tập trung vào sản phẩm căn hộ chuyển nhượng trên thị trường thứ cấp.

“Dự án mà tôi làm có hàng chục toà chung cư. Thế nên, nguồn hàng cơ bản rất dồi dào. Cứ trung bình khoảng nửa năm lại có 1-3 toà mới đi vào bàn giao. Hoạt động mua đi – bán lại khá sôi động”, Lan nói.

Theo môi giới này tiết lộ, ở thời điểm thị trường tốt từ tháng 4/2022-tháng 10/2022, trung bình mỗi tháng, Lan chốt thành công 3-4 căn. Bước sang năm 2023, trung bình mỗi tháng, số lượng căn chốt đều đặn từ 1-2 căn. Có tháng “thuận buồm xuôi gió”, số lượng căn chốt tăng gấp đôi.

Tuy nhiên, mỗi giao dịch thành công, Lan chỉ hưởng hơn 10 triệu tiền hoa hồng so với số tiền mà môi giới tự do nhận được. “Tôi lựa chọn làm việc ở sàn nên khoản tiền hoa hồng sẽ không nhận trọn về do nhiều người cùng tham gia vào một giao dịch. Tuy nhiên, làm việc sở sàn thì nguồn hàng sẽ đảm bảo, mọi rắc rối về pháp lý như chủ nhà không trả phí hoa hồng hay tranh chấp giữa chủ nhà và khách sẽ có đồng đội hỗ trợ. Công việc cũng sẽ thuận lợi hơn do cách làm việc chuyên nghiệp, uy tín”, Lan nói.

Một Giám đốc sàn bất động sản chuyên giao dịch chung cư trên thị trường thứ cấp cho biết, với thương vụ bán thành công hàng sơ cấp, môi giới có thể nhận tiền hoa hồng và thưởng lên tới 80-hơn 100 triệu đồng. Ở thời điểm thị trường như tháng 9/2022, có môi giới hưởng lợi nhuận lên tới 800-1 tỷ đồng. Nhưng, trường hợp được khoản tiền lớn ít xảy ra. Ở giai đoạn này, để bán được căn sơ cấp lại khá chật vật với môi giới. Trong khi, với hàng chuyển nhượng thứ cấp, giao dịch sẽ đều đặn dù phí môi giới không lớn.

Tương tự như chị Lan, anh Mạnh Quân (môi giới chuyên phân khúc chung cư) ở khu vực Mỹ Đình cũng cho biết: “Thu nhập của tôi không biến động mạnh dù thị trường chung trầm lắng. Một số dự án chúng tôi “đánh” vào, cung – cầu khá đều đặn. Vì thực tế, chung cư nội thành khá khan hiếm. Một dự án chỉ sở hữu trung bình 1-3 toà chung cư. Thế nên, nguồn cầu nhỉnh hơn cung. Tuy nhiên, với căn rao quá cao so với mặt bằng chung cũng sẽ rất khó bán”.

Anh Minh Sơn (môi giới Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, năm 2022, anh từng được người bạn mời tham gia bán hàng sơ cấp dự án Vinhomes Ocean Park. Tuy nhiên, sau nhiều tháng học đào tạo và tham gia chào khách, anh Sơn tiết lộ, nửa năm vẫn không thể chốt được giao dịch. Với môi giới chuyên nghiệp, họ có thể chốt 1 -2 giao dịch với số tiền hoa hồng vài trăm triệu đồng. Nhưng đó không phải số nhiều. Còn đối với môi giới mới vào nghề, để chốt được một giao dịch thành công không hề dễ dàng. Đến năm 2023, anh Sơn phải chuyển hướng sang hàng thứ cấp.

“Trên thị trường thứ cấp, giao dịch tốt hơn so với hàng sơ cấp. Do giá hàng sơ cấp chào ra rất cao. Đó là lý do mà môi giới muốn chào bán cũng chật vật. Trong khi với hàng sơ cấp, giá sản phẩm thấp hơn, đánh vào nhu cầu ở thực hay kinh doanh nhiều”, anh Sơn nói thêm.

Môi giới này cho rằng: “Trong thời điểm thị trường trầm lắng, chỉ có phân khúc như chung cư đã qua sử dụng hay nhà đất trong ngõ tại Hà Nội mới có giao dịch khả quan. Môi giới phân phối loại hình này sẽ có thu nhập đều đặn tốt hơn so với môi giới bán hàng sơ cấp hay đất nền”.


(0) Bình luận
Môi giới “sống khoẻ” thời khó nhờ bán căn hộ chuyển nhượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO