Mọi ánh mắt đổ dồn về FED sau một loạt biến cố của các ngân hàng lớn: Thời khắc quan trọng nhất và khó khăn nhất trong sự nghiệp của Chủ tịch Jerome Powell đã đến?

Thiên Di | 16:41 22/03/2023

Hiện tại, mọi chuyện liệu đã ngã ngũ chưa? Giới chuyên gia chia làm hai luồng ý kiến.

Mọi ánh mắt đổ dồn về FED sau một loạt biến cố của các ngân hàng lớn: Thời khắc quan trọng nhất và khó khăn nhất trong sự nghiệp của Chủ tịch Jerome Powell đã đến?

Tua ngược về một tuần trước, Phố Wall đã có khoảng thời gian bình yên. Các thị trường bình tĩnh trở lại và dường như đã vượt qua được tình trạng hỗn loạn của ngành ngân hàng Mỹ trước đó.

Nhưng sóng yên biển lặng chưa bao lâu, hỗn loạn lại bùng nổ khi tất cả hay tin về ngân hàng Thuỵ Sĩ Credit Suisse. Giá cố phiếu của ngân hàng này lao dốc đột ngột sau thông tin cổ đông lớn nhất là Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia không thể bơm thêm tiền mặt cho họ. Các nhà đầu tư được một phen phát hoảng.

Tua nhanh đến hiện tại, chứng khoán từ Hồng Kông, London rồi đến New York đều xanh rực rỡ. Ngân hàng Credit Suisse thì an toàn trong vòng tay của người giải cứu UBS. Ngay cả ngân hàng First Republic đang nằm trong vòng nguy hiểm cũng ghi nhận giá cổ phiếu tăng vọt hơn 50% trong thời gian ngắn.

Hiện tại, mọi chuyện liệu đã ngã ngũ chưa? Thế giới chia làm hai luồng ý kiến.

Một số nhà phân tích đang rất lạc quan về tình hình hiện tại. Chuyên gia quản lý Daniel Alpert tại Westwood Capital nói rằng: “Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã qua. Thị trường nhận ra rằng đây không phải (chưa phải) là một cuộc khủng hoảng tín dụng. Nguyên nhân gây ra cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng đã được dập tắt nhờ các hành động pháp lý”.

Nhưng mặt khác, nhiều người lại không tự tin được như vậy. Nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của công ty Oanda hy vọng rằng điều tồi tệ nhất đã qua. Ông công nhận những phản ứng nhanh chóng từ ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý khi giải quyết vụ việc. “Chúng ta có thể khen ngợi họ về khả năng chữa cháy, nhưng chỉ có thời gian mới trả lời được liệu họ có dập tắt ngọn lửa thành công hay không”, ông viết.

Nhưng có một điều mà tất cả các chuyên gia đều đồng tình với nhau là những gì xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cơ quan sẽ công bố quyết định về lãi suất sau cuộc họp kéo dài hai ngày 21-22/3.

Cuộc họp tháng 3 của FED có thể là cuộc họp quan trọng nhất trong sự nghiệp của Chủ tịch Jerome Powell. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên thế giới được nghe quyết định từ các quan chức FED sau ngày Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) sụp đổ.

Nhiều chuyên gia dự đoán FED sẽ tăng lãi suất lên 0,25 điểm phần trăm, hay 25 điểm cơ bản, để tiếp tục chống lạm phát.

Nhưng trước tình cảnh hỗn loạn của ngành ngân hàng, có khả năng FED sẽ không tăng lãi suất trong thời gian này. Các nhà kinh tế học của ngân hàng Goldman Sachs kỳ vọng ông Powell sẽ giữ lãi suất ổn định.

Lý do là vì các đợt tăng lãi suất nhanh và mạnh của FED trong năm 2022 đã làm xói mòn giá trị của các trái phiếu, thứ chiếm phần lớn danh mục đầu tư của các ngân hàng. Thương nhân Phố Wall ngày càng lo lắng về những khoản thua lỗ không rõ ràng.

Chuyên gia Alpert cho biết nếu FED cảm thấy cuộc khủng hoảng đã qua, họ có thể sẽ tăng lãi suất thêm 0,25%. Nếu không, FED sẽ tạm dừng. Ông cũng lưu ý thêm rằng FED có cơ sở để tạm dừng tăng lãi suất. Giá thực phẩm và nhà ở đang giảm so với mức cao gần đây.

Ông nói thêm rằng Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ phải giải đáp hàng loạt vấn đề trong cuộc họp báo, bao gồm cả tình hình ngân hàng, tình trạng sa thải gia tăng, lạm phát, dữ liệu việc làm... “Hy vọng ông ấy sẽ làm được”, Alpert nói.

Theo CNN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Mọi ánh mắt đổ dồn về FED sau một loạt biến cố của các ngân hàng lớn: Thời khắc quan trọng nhất và khó khăn nhất trong sự nghiệp của Chủ tịch Jerome Powell đã đến?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO