Mọi con mắt trong giới tài chính và kinh tế đều đang đổ dồn về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nơi Chủ tịch Jerome Powell đang cố cân bằng giữa cuộc chiến chống lạm phát và những biến cố bất ngờ trong lĩnh vực ngân hàng.
Ông Powell và các động nghiệp hiện đang bắt đầu cuộc họp lãi suất kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ 21/3. Trong khi hầu hết các nhà kinh tế hy vọng lãi suất sẽ chỉ tăng 0,25% trong lần điều chỉnh này, một số người khác cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên dừng tăng nhằm củng cố sự ổn định tài chính.
Derek Tang, một nhà kinh tế tại LH Meyer/Monetary Policy Analytics ở Washington, cho rằng: “Sự căng thẳng hiện tại dẫn đến những nỗi lo hiện hữu. Liệu FED đã đi quá xa hay chưa đủ? Cả hai đều có thể đúng ở cùng một thời điểm”.
Một yếu tố quan trọng khác của cuộc họp tuần này: “Các nhà hoạch định chính sách sẽ lần đầu tiên đưa ra dự báo lãi suất cuối kỳ kể từ tháng 12, yếu tố quan trọng giúp các nhà đầu tư xác định xem khi nào kết thúc chu kỳ tăng lãi hiện nay”.
Quyết định cuối cùng kèm với dự báo lãi suất cuối kỳ sẽ được đưa ra lúc 14h ngày 22/3 theo giờ Washington. Ông Powel sẽ tổ chức họp báo sau đó 30 phút.
Tính đến chiều 21/3, 80% thị trường tin rằng FED sẽ tăng lãi suất 0,25%, lên mức 4,75 đến 5%. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2007 trước khi đảo chiều do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, không ai biết đây đã phải mức lãi suất cuối kỳ hay chưa. Sự không chắc chắn từ đại dịch cộng với hàng loạt gói kích thích kinh tế đã khiến việc ghìm cương lạm phát của FED trở nên khó khăn.
Dẫu vậy, kỳ vọng về việc FED tăng lãi suất đã giảm trong 2 tuần qua, khi nhiều ngân hàng Mỹ bất ngờ sụp đổ còn Credit Suisse của Thụy Sĩ phải bán mình cho UBS. Trước những biến cố này, nhiều người tin rằng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt đà tăng của hàng hóa.
Jonathan Millar, nhà kinh tế cấp cao tại Barclays Plc ở New York, cho rằng: “Khó khăn của FOMC tại cuộc họp này sẽ là hạ nhiệt lạm phát và giảm rủi ro với sự ổn định tài chính.
“Không có lựa chọn nào dễ dàng. Việc ngừng tăng lãi suất có thể báo hiệu FED không tin tưởng vào khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng hoặc nền kinh tế hay làm dấy lên nghi ngờ còn những điều vẫn nằm trong góc khuất mà công chúng chưa thực sự thấy. Trong khi đó, tăng lãi suất sẽ gây thêm căng thẳng cho lĩnh vực ngân hàng và khiến các nhà đầu tư hoảng sợ”, Anna Wong, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường Mỹ của Bloomberg Economics, cho biết.
Hồi đầu tháng 3, ông Powell nói rằng FED có thể tăng lãi suất cuối kỳ cao hơn dự kiến, có thể vượt dự báo 5,1% mà nhiều quan chức FED đưa ra. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng, nếu kéo dài, sẽ cho thấy không cần tăng lãi thêm nữa.
Thị trường cũng dự đoán tuyên bố của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sau cuộc họp lãi suất sẽ thay đổi đáng kể về mặt ngôn từ. Cam kết tiếp tục tăng có thể sẽ được thay thế bằng những ngôn ngữ mềm mỏng hơn.
Tham khảo: Bloomberg