Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm là 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023.
Theo số liệu Bộ NN&PTNT cho thấy, từ đầu năm đến hết tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã đạt 13,2 tỷ USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoa Kỳ là thị trường rất quan trọng đóng góp hơn 55% tổng kim ngạch của ngành gỗ. Xuất khẩu vào thi trường này đạt trên 7,34 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 10/2024 xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 849,76 triệu USD, tăng 14,7% so với tháng 9/2024 và tăng 20,6% so với tháng 10/2023.
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ chia sẻ: "Thị trường Hoa Kỳ có nhu cầu lớn với mặt hàng cao cấp giá trị lớn cho đến mặt hàng bình dân giá cả cạnh tranh. Vì vậy, dù doanh nghiệp ở quy mô nhỏ cũng có thể tìm thấy phân khúc thị trường cho hàng hoá của mình tại Hoa Kỳ".
Một số thị trường khác đạt kim ngạch cao phải kể đến Nhật Bản đạt 1,42 tỷ USD, chiếm 10,8%, tăng 2,5%; Trung Quốc đạt 1,72 tỷ USD, chiếm 13%, tăng 22,3%; Hàn Quốc 648,58 triệu USD, chiếm 4,9%, giảm 0,7%. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Đông Nam Á đạt 273,2 triệu USD, chiếm 2,1%, tăng 15,6%; Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 401,71 triệu USD, chiếm 3%, tăng 26,1%
Để gặt hái được thành quả trên, ngành gỗ Việt Nam đã và đang mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ...
Cùng với đó, hàng loạt chuỗi hội chợ tìm kiếm thị trường, thu hút khách hàng quan tâm đến sản phẩm gỗ Việt Nam được tổ chức ở các địa phương trọng điểm sản xuất sản phẩm này như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Định, Bình Dương...
Về triển vọng của ngành, theo chia sẻ của ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, "nếu 2 tháng cuối năm xuất khẩu đạt 3 tỷ USD thì cả năm xuất khẩu ngành gỗ sẽ đạt 16 tỷ USD (khoảng 406.120 tỷ đồng)".
Trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, xu hướng thị trường tích cực sẽ thúc đẩy ngành gỗ có khả năng đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra là 17,5 tỷ USD trong năm 2024.
Lý do được Cục đưa ra là bởi những tháng cuối năm có nhiều thuận lợi hơn, khi nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tại các thị trường lớn tăng đáng kể để đáp ứng cho mùa lễ hội và thị trường nhà ở hoàn thiện cuối năm.
Cùng với triển vọng của ngành gỗ, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này trên sàn chứng khoán cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Đơn cử như CTCP Phú Tài (PTB). Theo báo cáo tài chính, 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PTB đạt hơn 4.530 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 349,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 285,6 tỷ đồng; lần lượt tăng 18,4% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Phú Tài cho biết, doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng do sản lượng tiêu thụ ngành đá và gỗ tăng.
Hay như tại Công ty Gỗ Đức Thành (GDT), đến hết tháng 9/2024, doanh thu của công ty đạt 250 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này tương đương gần với 70% kế hoạch doanh thu đã đặt ra cho cả năm 2024.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 của Gỗ An Cường (ACG) cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.764 tỷ đồng, tăng 154 tỷ đồng so với 9 tháng đầu năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 329,9 tỷ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của Gỗ An Cường, nguyên nhân chính của sự tăng mạnh này là do thị trường xuất khẩu khởi sắc; công ty tập trung vào các sản phẩm có margin tốt, đồng thời là việc công ty củng cố thu nhập tài chính.
Trong đại hội cổ đông diễn ra hồi đầu năm, ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch công ty cho biết, các nhà máy xuất khẩu hoạt động 110% công suất, thậm chí công ty còn phải gia công thêm ở bên ngoài. "Tôi kỳ vọng mảng xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi trong năm 2025", ông Nghĩa nói.