Theo thông tin từ Báo Đấu Thầu, Bộ Công Thương đã gửi văn bản UBND tỉnh Quảng Nam về tiến độ triển khai Dự án Phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh. Theo đó, ngày 2/7/2024, ExxonMobil (nhà điều hành Dự án) có báo cáo về tình hình triển khai Dự án với tiến độ không có nhiều thay đổi.
Các khó khăn, vướng mắc của Dự án là thủ tục cho thuê đất để triển khai Dự án; nâng cấp cảng Kỳ Hà để phục vụ sản xuất Condensate; tuyến ống đi qua Cảng hàng không quốc tế Chu Lai vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, vướng mắc chính của Dự án là Tập đoàn Exxon Mobil không ưu tiên triển khai Dự án trong giai đoạn hiện nay do chịu tác động của xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu.
Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100 km về phía đông, do Tập đoàn ExxonMobil của Hoa Kỳ làm nhà điều hành. Cá Voi Xanh được cho là mỏ lớn nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
Chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh có tổng mức đầu tư gần 10 tỷ USD bao gồm các dự án thành phần:
+ Thượng nguồn, trung nguồn: dự án phát triển mỏ CVX (bao gồm hệ thống khai thác khí ngoài khơi, đường ống vận chuyển khí về bờ và nhà máy xử lý khí trên bờ) thuộc PSC Lô 117-119;
+ Hạ nguồn: các dự án Nhà máy điện tại Quảng Nam (Miền Trung I&II, công suất 750MW/nhà máy do PVN là Chủ đầu tư) và Quảng Ngãi (Dung Quất I&III, công suất 750MW/1 nhà máy do EVN là Chủ đầu tư và Dung Quất II, công suất 750 MW do Sembcorp là Chủ đầu tư - BOT).
Tổng trữ lượng thu hồi dự kiến là 248 tỷ m3 khí thô (~150 tỷ m3 khí hydrocarbon). Trong giai đoạn bình ổn hàng năm sẽ cung cấp khoảng 7 tỷ m3 khí thô cho các hộ tiêu thụ điện hạ nguồn.
Tiến độ Chuỗi dự án đã bị chậm khoảng 5 năm (dự kiến có dòng khí đầu tiên vào năm 2028). Theo PVN, tiến độ triển khai dự án Cá Voi Xanh bị chậm do ExxonMobil chưa tích cực chủ động triển khai các công việc của Dự án. ExxonMobil chỉ tiến hành một số công việc đang triển khai theo Chương trình công tác và Ngân sách được phê duyệt và chờ có quyết định từ Công ty mẹ). Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án.
Trước đó, ExxonMobil đã hoàn tất ký kết thỏa thuận hợp đồng khung về mua bán khí, thiết kế tổng thể (FEED) và một số hạng mục bao gồm: Giải phóng mặt bằng trên bờ (nhà máy, kho cảng, đường ống vận chuyển khí) và công tác khảo sát, an toàn môi trường.