Trong khoảng thời gian gần đây, có rất nhiều thương hiệu thời trang tương đối có danh tiếng ở các thành phố lớn Việt Nam đã đóng cửa, tuyên bố ‘bỏ cuộc chơi’. Chúng ta có thể kể ra đây những trường hợp tiêu biểu như CATSA – chuỗi thời trang nam từng có 22 cửa hàng, brand thời trang nữ có 8 năm tuổi Lep’ từng có 17 chi nhánh trên cả nước, MEO của hot creator Thu Nhi Eat Lean…
Có rất nhiều nguyên nhân khiến các chuỗi thời trang này nói lời từ biệt, song 2 nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là vấn đề cá nhân và không chống chọi được với khó khăn của thị trường.
“Bước chân vào ngành thời trang Việt, tôi cố gắng gầy dựng một thương hiệu thời trang giá cả phải chăng cho giới trẻ Việt và đã được người tiêu dùng đón nhận. Suốt 13 năm gắn bó với thương hiệu CATSA, tôi đã mở đến hàng chục cửa hàng thời trang tại TP.HCM, doanh thu lên đến cả trăm tỷ đồng/năm nhưng tháng 8 vừa qua tôi đã phải ra quyết định đóng cửa, khai tử thương hiệu này.
Có nhiều thương hiệu khác cũng đóng cửa, không ít doanh nghiệp ‘ngộp thở’ và những người bạn bè kinh doanh ngành thời trang cũng đều than nếu tình hình này cứ kéo dài thì ngày đóng cửa cũng không xa.
Bức tranh kinh doanh chung của ngành thời trang là sụt giảm trầm trọng doanh số, bên cạnh lý do về người dân giảm chi tiêu, còn có một lý do rất quan trọng là xu hướng dịch chuyển hành vi mua sắm sang mua hàng online, đặc biệt là từ các sàn thương mại đến từ Trung Quốc và cơn lốc hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam”, bà Nguyễn Thùy Linh Cát - Nhà sáng lập thương hiệu CATSA, chia sẻ trên Tuổi Trẻ online.
Trước áp lực thay đổi của chuỗi cung ứng của Mỹ, cộng với sự xuất hiện của Taobao, Shein hay Temu, ngành sản xuất thời trang không thể đứng ngoài cuộc ‘khủng hoảng dư thừa” chung của nền kinh tế Trung Quốc. Tất nhiên, những nước chung quanh Trung Quốc như Việt Nam sẽ là thị trường chính để các nhà sản xuất thời trang Trung Quốc đẩy hàng đi.
Trước câu hỏi ‘đâu là cơ hội cho các doanh nghiệp thời trang Việt trước sức ép kinh khủng từ Trung Quốc ở tương lai”, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam khuyến nghị: hãy làm áo quần giày dép phục vụ ‘thế hệ bạc’.
‘Thế hệ bạc’ tiềm năng nhưng không dễ chinh phục
“Cách đây chưa lâu, có một anh bạn hỏi tôi: ‘Em có biết thương hiệu thời trang nào dành cho người tuổi trên 60 hay không’; tôi đã sững lại vì quả thật là tôi không nghĩ ra được cái tên nào. Rồi sau đó anh ấy nói thêm ‘trước đó anh cũng đã hỏi nhiều người câu hỏi tương tự nhưng cũng không ai trả lời được’.
Hiện tại, tôi cũng đang mua khá nhiều thương hiệu thời trang khác nhau nhưng tôi vẫn băn khoăn không biết vào lúc 50 tuổi, mình sẽ mặc gì? Theo đó, tôi nghĩ, nếu chúng ta không có bất cứ hành động gì ngay từ bây giờ, thì tầm 10 năm nữa, chúng ta sẽ không có gì để mặc”, bà Nguyễn Phương Nga chia sẻ trong 1 sự kiện cho BSA tổ chức.
Vậy nên, theo bà, nếu doanh nhân Việt Nam nào muốn đầu tư vào ngành thời trang có thể cân nhắc đến việc thành lập các thương hiệu phục vụ tầng lớp dân số trên 60 tuổi mà bà gọi là ‘dân số bạc’, dựa theo cách gọi ‘dân số vàng’ là những người đang trong độ tuổi lao động.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa dân số. Dự kiến, vào năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20% hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trên 14%. Còn đến năm 2049, Việt Nam trở thành xã hội siêu già với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 25% hoặc tỷ lệ người từ 65 trở lên chiếm trên 20% tổng dân số.
Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia này, thì ‘dân số bạc’ trong tương lai là tầng lớp có mức độ đa dạng cao và siêu phân mảnh. Về thu nhập, có những người trên 60 tuổi rất giàu nhưng cũng có nhiều người không có thu nhập; về trình độ học vấn: có người là tiến sỹ nhưng cũng có người chưa qua lớp 5; về nghề nghiệp: 40% sống ở thành thị và 60% ở nông thôn, người lớn tuổi ở nông thôn có thể là nông dân hoặc ngư dân.
Đặc biệt, nếu soi vào tình trạng người lớn tuổi trên 60 như thời điểm hiện tại, rất nhiều người trong số họ mắc 2 đến 3 bệnh mãn tính. Vậy nên, thời trang cho người lớn tuổi không chỉ là vấn đề màu sắc, kiểu dáng, chất vải mà còn là công năng phải phù hợp với tình trạng sức khỏe của họ. Lúc trẻ khỏe, chúng ta có thể cố chấp đi một đôi giày cao gót không thoải mái chỉ vì nó đẹp, nhưng về già, chúng ta thường sẽ ưu tiên sự thoải mái thay vì tính thời trang.
“Tôi từng hỏi mẹ tôi, nếu bây giờ, có một hãng làm giày cao gót mà mẹ đi không bị đau chân trong khi giá mắc hơn một chút, mẹ có mua không? Mẹ tôi đã trả lời ‘mua liền chứ!’”, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam cho biết thêm.
Ở khía cạnh khác, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ ‘chưa giàu đã già’ và người cao tuổi ở Việt Nam dù sống lâu nhưng không khỏe mạnh, trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn đang phát triển – hệ thống an sinh xã hội vẫn còn non trẻ. Một trong những gợi ý được nhiều chuyên gia đưa ra: hãy tận dụng tốt nguồn lực lao động ở người cao tuổi, hỗ trợ họ tham gia các loại hình công việc phù hợp với trải nghiệm và tình trạng thể chất.
Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thị trường thời trang Việt Nam hiện có 1 thương hiệu nội địa hiếm hoi tập trung vào phân khúc khách hàng nữ trên 60 tuổi tên là Hạnh. Họ từng có 20 cửa hàng nhưng do Covid-19 và nhiều nguyên khác, hiện còn 11 cửa hàng. Các sản phẩm của Hạnh có mức giá tầm trung, ví dụ váy đầm từ 700.000 đồng đến 2.000.000, nên hệ thống cửa hàng của họ thường tập trung ở trung tâm thương mại trong thành phố lớn.