Nhiều người có suy nghĩ sai lầm rằng lượng bột giặt, xà phòng, nước xả... trong quá trình giặt giũ sẽ khiến máy giặt sạch sẽ mà không cần phải vệ sinh. Tuy nhiên, những chiếc máy giặt không hề có cơ chế tự làm sạch hoàn toàn cho chính bản thân nó.
Trên thực tế, chiếc máy giặt trong nhà bạn thực sự là một ổ vi khuẩn khổng lồ và chúng là mầm mống cho hàng chục loại bệnh khác nhau đang ẩn náu. Khi ngâm quần áo và giặt, những vi khuẩn ứ đọng trong lồng giặt có thể bám lên áo quần và xâm nhập cơ thể khi gặp điều kiện thuận lợi.
Máy giặt thực sự bẩn hơn bồn cầu
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Applied and Environmental Biology, tiến sĩ Charles Gerba, nhà vi sinh vật học tại Đại học Arizona và các đồng sự đã phát hiện một loạt vi sinh vật có hại trong máy giặt gia đình bao gồm: nấm mốc, adenovirus, rotavirus, virus viêm gan A và vi khuẩn salmonella. Ông cho biết bản chất của máy giặt là môi trường ẩm ướt nên nó là điều kiện lý tưởng cho các loại vi sinh vật phát triển.
Chưa hết, vị chuyên gia này còn chia sẻ thêm: "Chỉ xà phòng thì không đủ để loại bỏ và vô hiệu hóa một số loại virus đường ruột như adenovirus và rotavirus. Đây là loại virus thường có trong phân người và mỗi chiếc đồ lót của người lớn đều có khoảng 0,1 gram phân trên đó. Dù không thấy được bằng mắt thường nhưng đoán xem, mỗi chiếc đồ lót có thể chứa đến 10 tỷ con virus."
Kể cả sau khi một cặp đồ lót được giặt sạch thì nó vẫn chứa khoảng 10.000 vi sinh vật, trong đó có cả vô hại lẫn có hại. Còn lượng vi khuẩn chứa trong những chiếc máy giặt không được vệ sinh ước tính còn gấp nhiều lần so với bồn cầu. Từ đó, bạn có thể biết đâu là nơi bẩn hơn rồi đúng không nào!
Nguy cơ lây bệnh chéo từ máy giặt
Như đã đề cập, trong quá trình làm sạch thì máy giặt cũng đã khiến các vi sinh vật bám vào quần áo. Dù trong đó có cả vi sinh vật không gây hại nhưng cũng chứa một số vi khuẩn, virus gây bệnh. Các mầm bệnh này có thể lây lan qua nhiều con đường khác nhau. Từ trực tiếp từ quần áo lên cơ thể hoặc qua các bề mặt nhiễm bẩn sau đó vô tình thông qua miệng, dùng tay cầm thức ăn... vào bên trong cơ thể.
Lúc này, lượng vi khuẩn khổng lồ ứ đọng trong lồng giặt từ quá trình làm sạch đồ lót, quần áo, ga trải gường... chính là nguyên nhân dẫn đến quá trình lây bệnh này. Thậm chí, khi người trong gia đình bị bệnh, máy giặt và quần áo được giặt chung cũng có khả năng tham gia vào việc lây nhiễm chéo này.
Theo các chuyên gia, người già và trẻ em dưới 7 tuổi là những đối tượng có thể bị ảnh hưởng lớn nhất bởi mầm bệnh từ lồng máy giặt bẩn. Lý do là hệ miễn dịch của họ đã suy giảm hoặc chưa hoàn thiện khiến các vi khuẩn, virus gây hại tấn công mạnh mẽ hơn dẫn đến các bệnh lý khác nhau.
Cách sử dụng máy giặt và vệ sinh máy giặt đúng cách
- Không nên sử dụng nước tẩy để ngâm quần áo trong máy giặt.
- Không nên để quần áo quá lâu trong máy giặt sau khi giặt xong. Điều này làm sản sinh các vi khuẩn, nấm mốc và ám mùi cho quần áo.
- Sau khi phơi hết quần áo hãy mở cửa máy giặt để lồng giặt được khô ráo tránh ẩm mốc và môi trường ẩm ướt thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Thường xuyên bảo trì và làm vệ sinh máy giặt từ 2-3 tháng/ lần.