Mâu thuẫn lớn tiềm ẩn trong quy định về tái định cư

Lê Sáng | 09:11 19/06/2023

Theo chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh, đang tồn tại mâu thuẫn lớn tiềm ẩn trong quy định về tái định cư ở dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi).

Mâu thuẫn lớn tiềm ẩn trong quy định về tái định cư
Hiện nay đang tồn tại nghịch lý vừa thừa, vừa thiếu nhà tái định cư. Nhiều dự án nhà tái định cư xây dựng tốn hàng ngàn tỷ đồng ngân sách nhưng vẫn bị bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: Khu nhà tái định cư Bình Khánh (Thủ Thiêm, TP.HCM) - Nguồn: Int

Theo chương trình kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV sáng nay, ngày 19/6, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại nghị trường.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng hiện nay, theo hai bản Dự thảo luật trình Quốc hội xem xét đang có mâu thuẫn, chồng chéo về nguyên tắc phát triển nhà ở tái định cư, hình thức bố trí nhà ở phục vụ tái định cư.

Cụ thể, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã làm rõ nội hàm của “tái định cư” là chính sách để ổn định đời sống của người có đất bị thu hồi thông qua bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tại khu tái định cư hoặc địa điểm khác phù hợp cho người bị thu hồi đất ở, phải di chuyển chỗ ở...

Như vậy, bố trí tái định cư là một công đoạn được đặt ra với cơ quan nhà nước khi thực hiện thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân...; gồm thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội... Bởi thế, việc bố trí tái định cư phải được quy định trong Luật Đất đai, cụ thể là thuộc chế định thu hồi đất.

Trong khi đó, nhà ở để phục vụ tái định cư cũng là một loại hình nhà ở và cũng được điều chỉnh bởi Luật Nhà ở. Một vấn đề được điều chỉnh bởi hai đạo luật luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột, chồng chéo, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo hai luật. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đã quy định nguyên tắc bố trí tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở, giải tỏa nhà ở để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội...

1-0953.jpg
Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh

Dẫn chững cụ thể quy định, chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng hiện nay tại Điều 50 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định 5 hình thức bố trí nhà ở phục vụ tái định cư: 1. Xây dựng nhà ở theo dự án để bố trí tái định cư; 2. Đặt hàng hoặc mua nhà ở thương mại để bố trí tái định cư; 3. Bố trí cho người được tái định cư được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; 4. Bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật đất đai; 5. Tự mua, thuê, thuê mua nhà ở.

Ông Đỉnh đánh giá, quy định trên đang dẫn đến việc bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật đất đai chỉ là 1 trong 5 hình thức bố trí nhà ở phục vụ tái định cư (hình thức 4).

“Hay nói cách khác, tồn tại cả các hình thức bố trí tái định cư không theo quy định của Luật Đất đai!? Đây là một “lỗ hổng” về xây dựng chính sách bởi như đã phân tích ở trên, tái định cư là một nội dung của chế định thu hồi đất (phải có việc thu hồi đất của cơ quan nhà nước mới làm phát sinh nghĩa vụ bố trí tái định cư). Như vậy, bố trí tái định cư là một quy phạm pháp luật về đất đai nên phải quy định thống nhất trong Luật Đất đai”, chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh đánh giá.

Cũng theo ông Đỉnh, việc Luật Nhà ở cũng quy định về bố trí tái định cư sẽ dẫn đến trùng lặp, chồng chéo, không phù hợp với nguyên tắc tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định về việc “Văn bản quy phạm pháp luật không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”, đồng thời vượt quá phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở”.

Bên cạnh đó, liên quan đến quy định tái định cư tại chỗ, chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, yêu cầu tái định cư tại chỗ theo khoản 4 Điều 51 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là bất khả thi. Bởi quy định này (hiện cũng duy trì tại khoản 3 Điều 35 Luật Nhà ở 2014) nếu được thông qua sẽ có nguy cơ tiếp tục gây vướng mắc trong triển khai thực hiện.

“Cần phải bãi bỏ quy định tại khoản 4 Điều 51 Dự thảo Luật Nhà ở. Việc bố trí tái định cư phải thực hiện theo quy định tại Điều 109 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): “UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất” để tạo sự chủ động, “đi trước một bước” trong khâu tái định cư theo đúng tinh thần Nghị quyết 18”, chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh kiến nghị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Mâu thuẫn lớn tiềm ẩn trong quy định về tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO