Mặt tối ở một quốc gia Bắc Âu nổi tiếng giàu có và hạnh phúc: Giá BĐS tăng 250% sau 20 năm, 10,4 triệu người chật vật vay nợ mới mua được nhà

Băng Băng | 14:16 28/03/2023

Hãng tin Bloomberg nhận định sự hào nhoáng của những số liệu kinh tế đã giúp quốc gia Bắc Âu này che đậy đi được những lỗ hổng của hệ thống.

Mặt tối ở một quốc gia Bắc Âu nổi tiếng giàu có và hạnh phúc: Giá BĐS tăng 250% sau 20 năm, 10,4 triệu người chật vật vay nợ mới mua được nhà

Theo hãng tin Bloomberg, một cây cầu đã hoàn thành một nửa tại Rinkeby-Stockholm nối liền 2 khu dân cư băng qua đường cao tốc đã trở thành hình ảnh đặc trưng cho sự bất bình đẳng ở Thụy Điển, vốn là quốc gia Bắc Âu nổi tiếng về độ giàu có lẫn hạnh phúc.

Một bên dân cư là nơi ở của những người giàu có lâu đời tại Stockholm, bên còn lại là khu chung cư công được xây dựng từ thập niên 1970 của dân nghèo, người nhập cư. Nằm giữa 2 khu là một đường cao tốc 4 làn xe, nhưng sự ngăn cách giữa 2 giai tầng ở Thụy Điển thì lớn hơn nhiều.

Mặc dù công trình cầu vượt này ban đầu thiết kế cho xe hơi chạy qua được nhưng sau đó đã trở thành cầu đi bộ cho dân cư 2 bên dễ dàng qua lại. Ngay lập tức, nhiều chính trị gia tại Thụy Điển đã phản đối công trình đang xây dang dở, cho rằng nó sẽ phá hủy giá bất động sản của khu nhà giàu và gia tăng tỷ lệ tội phạm.

Công trình cây cầu nối giữa 2 khu dân cư giàu nghèo tại Rinkeby-Stockholm

Hãng tin Bloomberg nhận định những tiếng nói phản đối chẳng khác nào rào cản ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo ở quốc gia Bắc Âu này, nơi vốn phải là thiên đường hạnh phúc trong hình dung của nhiều người.

Nguy cơ

Theo Bloomberg, Thụy Điển là nước có nhiều tỷ phú thứ 41 trên thế giới với bình quân 3 tỷ phú trên mỗi 1 triệu dân. Con số này cao hơn chỉ 1 tỷ phú trên mỗi 1 triệu dân của láng giềng Phần Lan, vốn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 6 năm liền.

Thế nhưng, Thụy Điển vẫn có sự nghèo đói và phân biệt tầng lớp cực kỳ rõ ràng. Thậm chí Bloomberg cho biết lạm phát tại đây đã tăng mạnh trong 12 tháng qua, lãi suất đi lên còn đồng tiền thì mất giá.

Nhiều chuyên gia còn cho biết cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản tại Thụy Điển thậm chí được đánh giá là tệ nhất Châu Âu do nhu cầu nhà ở giảm và giá nhà đi xuống mạnh. Thậm chí cho dù xung đột Ukraine ảnh hưởng đến nhiều quốc gia tại Châu Âu nhưng Thụy Điển được dự đoán là nền kinh tế duy nhất trong khu vực sẽ tăng trưởng âm trong năm 2023.

Nói về mảng bất động sản, giá nhà tại Thụy Điển đã tăng gần 250% trong 20 năm qua nhờ chi phí vay thấp cũng như nguồn cung nhà cho thuê không đáp ứng kịp nhu cầu. Thế nhưng phần lớn nhu cầu này đến từ tầng lớp dân nghèo và trung lưu.

Hệ quả là rất nhiều người nghèo-trung lưu ở Thụy Điển buộc phải vay thế chấp ngân hàng để mua nhà. Tổng mức tín dụng thế chấp bất động sản tại Thụy Điển đã tăng 459% trong 20 năm tính đến năm 2022.

Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thì cho thấy tổng mức vay nợ hộ gia đình, bao gồm tín dụng mua nhà lẫn tiêu dùng của người dân Thụy Điển đã tăng lên đến hơn 200% mức thu nhập khả dụng. Con số này thậm chí cao gấp đôi so với nền kinh tế lớn nhất Châu Âu là Đức.

Thế rồi khi thời tiền rẻ lãi suất thấp dần qua đi và bong bóng bất động sản bắt đầu xì hơi, tầng lớp thu nhập trung bình và người nghèo ngập trong nợ ở Thụy Điển nay phải đối mặt với khả năng vỡ nợ.

Cùng thời điểm đó, số doanh nghiệp phá sản tại Thụy Điển cũng đã tăng lên mức cao nhất suốt 10 năm qua khi mảng bất động sản gặp khó khăn. Tỷ lệ xây dựng nhà mới được dự đoán sẽ giảm xuống còn chỉ bằng 50% so với mức cần thiết để đáp ứng tốc độ tăng trưởng dân số.

Tình hình nghiêm trọng đến mức Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank) đã phải cảnh báo mảng bất động sản đang đe dọa đến hệ thống tài chính, đồng thời cho biết tỷ lệ tín dụng quá cao của hộ gia đình có thể ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng, ngành ngân hàng và cả nền kinh tế.

Cựu Thống đốc Stefan Ingves của Riksbank đã kêu gọi một cuộc cải cách về thuế bất động sản khi mức thuế này tại Thụy Điển thuộc hàng thấp nhất thế giới, đồng thời chỉ trích chính những yếu tố này đã gây tác động xấu đến thị trường.

Kim trong bọc lòi ra

Hãng tin Bloomberg nhận định Thụy Điển đang thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của 10,4 triệu dân của mình, thế nhưng sự hào nhoáng của những số liệu kinh tế đã giúp họ che đậy đi được những lỗ hổng của hệ thống.

Tuy nhiên cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, khi nền kinh tế chuyển biến xấu thì hàng loạt những hệ lụy của Thụy Điển bắt đầu bộc lộ điểm yếu. Từ thị trường bất động sản, mảng lao động và tài chính cũng bắt đầu có dấu hiệu bất ổn.

Hãng xây dựng nổi tiếng K2A Knaust & Andersson Fastigheter AB tại Thụy Điển cho biết họ đã mất 70% tổng mức vốn hóa thị trường kể từ khi Riksbank nâng lãi suất từ năm ngoái. Công ty này đã phải dừng mọi dự án xây dựng vì tình hình bất ổn trên thị trường dù nhu cầu nhà ở còn rất cao.

“Vấn đề hiện nay rất nghiêm trọng, chắc chắn sẽ có một đợt ‘dọn dẹp’ trên thị trường xây dựng”, CEO Johan Knaust của K2A lo lắng.

Không riêng gì mảng xây dựng, thị trường lao động Thụy Điển cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của nước này vẫn ổn định nhưng hàng loạt các tập đoàn lớn từ Ericsson AB cho đến Electrolux đã tuyên bố sẽ cắt giảm mạnh nhân sự trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản còn nền kinh tế có nguy cơ giảm tốc.

Tệ hơn, quỹ hưu trí lớn nhất của Thụy Điển mới đây cũng tuyên bố mất tới 2 tỷ USD vì vụ bê bối của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB).

“Có nguy cơ tiến độ xây dựng các công trình nhà ở sẽ giảm hơn 50% trong năm nay. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng lên GDP cũng như những mảng đầu tư liên quan khác. Nhiều tập đoàn bất động sản có vay nợ lớn sẽ buộc phải hoãn tiến độ dự án”, chuyên gia kinh tế Susanne Spector của ngân hàng Nordea Bank nhận định.

Năm 2022, Hội đồng thương mại Stockholm (SCC) đã phải thừa nhận rằng sự bất cập của thị trường bất động sản, việc khó tìm chỗ ở đang khiến nhiều doanh nghiệp không thể thuê được lao động.

Phía SCC cho biết hệ thống hành chính công đã tạo nên một thị trường giao dịch cho thuê nhà ở Stockholm với các nhân viên nhà nước như cảnh sát, giáo viên... thế nhưng lượng cầu luôn không đáp ứng được nguồn cung trong nhiều thập niên qua. Thời gian trung bình để các lao động này chờ đợi có nhà cho thuê khả dụng đã lên đến 20 năm ở nhiều vùng của thủ đô Stockholm, một con số không tưởng.

*Nguồn: Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
Mặt tối ở một quốc gia Bắc Âu nổi tiếng giàu có và hạnh phúc: Giá BĐS tăng 250% sau 20 năm, 10,4 triệu người chật vật vay nợ mới mua được nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO