Mất tiền từ tin nhắn định danh thương hiệu

Thanh Thanh | 06:00 08/11/2021

Thời gian qua không ít trường hợp khách hàng bị mất tiền trong tài khoản khi nhận được tin nhắn định danh thương hiệu (SMS Brandname)...

Mất tiền từ tin nhắn định danh thương hiệu
Việc làm giả tin nhắn định danh thương hiệu nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng.

Tin nhắn định danh thương hiệu là tin nhắn không hiển thị số thuê bao mà chỉ hiện tên các thương hiệu đã được đăng ký và xét duyệt từ các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông.

Việc sử dụng tin nhắn định danh thương hiệu được khá nhiều doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng sử dụng để khác hàng của mình dễ nhận diện.

Muốn gắn được tin nhắn định danh thương hiệu các doanh nghiệp có nhu cầu phải làm hồ sơ đăng ký và phải được sự chấp thuận từ phía doanh nghiệp viễn thông.

Như vậy, việc làm giả tin nhắn định danh thương hiệu này nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng.

Theo Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian vừa qua nhiều thuê bao di động nhận được các tin nhắn mạo danh các tổ chức tài chính, ngân hàng gửi các nội dung giả mạo, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.

Qua xác minh, đánh giá cho thấy các tin nhắn giả mạo này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo.

Cũng theo Cục An toàn thông tin, đây là các thiết bị có nguồn gốc từ nước ngoài, được các đối tượng mua bán, sử dụng trái phép nhằm mục đích thực hiện các cuộc tấn công phát tán tin nhắn rác lừa đảo người dùng, đặc biệt là người dùng tại các khu vực đô thị.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện các ngân hàng trả phí cao cho doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ tin nhắn định danh thương hiệu thì phải nhận được chất lượng dịch vụ tương xứng và nhà mạng phải có trách nhiệm phối hợp xử lý.

Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích, hiện mức giá cước doanh nghiệp viễn thông đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. Như Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng/1tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/1 tin nhắn, trong khi cước phí tin nhắn của các doanh nghiệp viễn thông này với khách hàng cá nhân chỉ từ 99 – 350 đồng/tin nhắn.

Ước tính sơ bộ, một tổ chức tín dụng cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng, còn các tổ chức tín dụng tầm trung trở lên là 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng.

Các doanh nghiệp viễn thông lấy lí do là độ bảo mật của tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao hơn tin nhắn của khách hàng cá nhân nên phí phải cao hơn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị nhà mạng cần làm rõ căn cứ tính phí và phải có phương án kỹ thuật, bảo mật, để chất lượng dịch vụ tương xứng với mức phí mà các ngân hàng đang phải chi trả, đồng thời bảo vệ uy tín, thương hiệu của ngân hàng.

Gần đây nhiều ngân hàng đã thông tin biến động số dư ngay trên ứng dụng OTT ngân hàng và cung cấp mã bảo mật smart OTP ngay trên các ứng dụng này.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng đây cũng là giải pháp hữu ích mà các ngân hàng cần nhân rộng triển khai nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho khách hàng của  mình  và bớt đi khoản phí khá cao phải trả cho doanh nghiệp viễn thông.

“Các tổ chức tín dụng phải đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số để tiết giảm chi phí hoạt động, tăng nguồn lực trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ…” ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.


(0) Bình luận
Mất tiền từ tin nhắn định danh thương hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO