Mặt hàng tỉ USD của Việt Nam bất ngờ có kỳ tích mới: Sở hữu giá bán đắt đỏ nhất thế giới, gần 160 quốc gia, vùng lãnh thổ săn đón

Minh Ngọc | 14:26 26/11/2024

Giá gạo Việt Nam duy trì mức cao nhất thế giới, vượt qua các quốc gia xuất khẩu lớn.

Mặt hàng tỉ USD của Việt Nam bất ngờ có kỳ tích mới: Sở hữu giá bán đắt đỏ nhất thế giới, gần 160 quốc gia, vùng lãnh thổ săn đón
Ảnh minh họa.

Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt hơn 8 triệu tấn, thu về gần 5,05 tỷ USD, tăng 9,16% so với cùng kỳ về lượng nhưng tăng đến 21,49% về kim ngạch xuất khẩu.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên trong lịch sử kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này vượt 5 tỷ USD nhờ giá gạo xuất khẩu đạt mức cao ngay từ đầu năm, giá bình quân 626 USD/tấn, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

a620316d-e6fb-470b-87b4-469c918608aa_11zon.png

Xét về thị trường xuất khẩu, Philippines hiện là nước nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2024, chiếm 46,93% trong tổng lượng và chiếm 46,05% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Xuất khẩu sang thị trường này đã đạt gần 3,64 triệu tấn, tương đương gần 2,24 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, tăng 38,38% về lượng, tăng 59,14% về kim ngạch và tăng 15% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. 

cc26065c-b421-4340-bf33-28020164a2cd_11zon.png

Vị trí thứ 2 thuộc về Indonesia với gần 1,09 triệu tấn, tương đương 655,21 triệu USD; chiếm 14,02% trong tổng lượng và chiếm 13,48% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Malaysia đứng thứ 3 với 674.735 tấn, tương đương 399,88 triệu USD, chiếm 8,7% trong tổng lượng và chiếm 8,22% trong tổng kim ngạch.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo thế giới đang tăng trở lại trong tuần qua và gạo Việt Nam vẫn duy trì mức cao nhất thế giới. Cụ thể, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức 520 USD/tấn, trong khi đó, gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan là 493 USD/tấn, gạo Pakistan là 455 USD/tấn và Ấn Độ là 453 USD/tấn.

Báo cáo Triển vọng gạo tháng 11/2024 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên khóa 2024/25 sẽ tăng lên 533,8 triệu tấn, tăng 11,6 triệu tấn so với năm ngoái. Tổng nguồn cung toàn cầu dự kiến sẽ tăng 10,6 triệu tấn, đạt 713,1 triệu tấn.

Nhu cầu sử dụng trong nước dự kiến sẽ tăng do nhu cầu cao hơn ở các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, trong khi thương mại dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 57,2 triệu tấn do xuất khẩu tăng từ các quốc gia như Ấn Độ và Thái Lan.

Dự kiến tồn kho cuối kỳ toàn cầu là 182,6 triệu tấn, với trữ lượng lớn ở Ấn Độ và các quốc gia khác bù đắp cho sự sụt giảm ở những nơi như Myanmar và Thái Lan.

india-rice-exports-bloomberg-1720663428841.jpg
Ảnh minh họa.

Bất ngờ gặp khó tại thị trường trọng điểm

Theo trang Reuters đưa tin, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Zulkifli Hasan cho biết, Indonesia có thể sẽ không nhập khẩu gạo vào năm 2025. 

Số liệu từ Cục thống kê Indonesia cho biết, sản lượng gạo của nước này ước tính giảm 2,43% trong năm nay xuống 30,34 triệu tấn do thời tiết khô hạn trong năm 2023 khiến việc trồng trọt và thu hoạch chậm lại. 

Lượng gạo nhập khẩu của Indonesia đã tăng vọt trong 2 năm qua, đạt hơn 3 triệu tấn/năm. Và năm nay nước này đặt mục tiêu nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo.

Song song với đó, Indonesia cũng có kế hoạch mở rộng từ 750.000 đến 1 triệu ha đất trồng lúa vào năm 2025 nhằm đạt mục tiêu tự chủ lương thực mà Tổng thống Prabowo Subianto đề ra.

Qua đó, ông Zulkifli Hasan nhận định, năm sau nếu cần nhập khẩu thì có thể Indonesia sẽ chỉ một lượng nhỏ gạo tùy thuộc vào nguồn cung. Và số lượng gạo phân bổ của năm nay chưa thực hiện xong sẽ được chuyển vào năm sau.

Đây được xem là tin xấu đối với xuất khẩu gạo Việt Nam bởi  Indonesia là một trong những khách hàng quan trọng của ngành hàng này.

Tính riêng 10 tháng đầu năm nay, Indonesia đã nhập khẩu 1,09 triệu tấn gạo, tương đương 655,21 triệu USD, tăng 7,21% về lượng, tăng 20,24% kim ngạch và tăng 12,16% về giá so với cùng kỳ năm 2023. 


(0) Bình luận
Mặt hàng tỉ USD của Việt Nam bất ngờ có kỳ tích mới: Sở hữu giá bán đắt đỏ nhất thế giới, gần 160 quốc gia, vùng lãnh thổ săn đón
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO