Cụ thể, lô trái phiếu được phát hành vào ngày 17/03/2023, kỳ hạn 60 tháng. Là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo. Khối lượng gồm 20 triệu trái phiếu, mệnh giá 100 nghìn đồng/trái phiếu, có kỳ hạn 60 tháng.
Lãi suất áp dụng là lãi thả nổi, bằng tổng của 4.1%/năm và lãi suất tham chiếu là trung bình cộng của lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của BIDV (HOSE: BID), Vietcombank (HOSE: VCB), Vietinbank (HOSE: CTG) và MB (HOSE: MBB). Đại lý phát hành là CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS).
Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật. Trong 2.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành lần này, có 3 nhà đầu tư tổ chức trong nước đăng ký mua và được phân phối 99,2% - tương đương 19,84 triệu trái phiếu với giá trị 1.980 tỷ đồng; 0,8% còn lại - tương đương 160 nghìn trái phiếu - được phân phối cho một nhà đầu tư cá nhân khác.
Sau khi trừ các chi phí - gồm phí tư vấn, phí phân phối và các chi phí khác, Masan Group thu về hơn 1.969 tỷ đồng.
Mục đích chào bán nhằm tăng tiềm lực tài chính cho Công ty và để huy động nguồn vốn với chi phí hợp lý trên thị trường hiện nay, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
Trước đó, trong tháng 2 vừa qua Masan Group đã có 1.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ở thị trường trong nước, với lãi suất là 9,5%/năm và kỳ hạn 5 năm. Cụ thể, hai lô trái phiếu là MSNH2227001 và MSNH2227002 được nhà đầu tư tổ chức trong nước là bên mua duy nhất hai lô trái phiếu trên.
Về tình hình kinh doanh, trong quý 4/2022, doanh thu thuần của Masan Group đạt gần 20.642,8 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 803,5 tỷ đồng, giảm 89%.
Luỹ kế cả năm 2022, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đạt 76.189,2 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 14% so với 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 4.754,4 tỷ đồng, chưa bằng một nửa con số lãi hơn 10.000 tỷ đồng của năm 2021.
Tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của Masan Group đạt gần 104.706,1 tỷ đồng, tăng 25% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng hơn 89,1% lên mức 65.320,9 tỷ đồng; Nợ dài hạn giảm gần 20% xuống mức 39.385,2 tỷ đồng.
Tổng nợ vay của Masan Group tăng 22% so với hồi đầu năm lên mức 70.993 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022, chiếm 67,8% nợ phải trả của doanh nghiệp. Bao gồm vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 40.567,4 tỷ đồng, tăng 115%; Vay và nợ thuê tài chính dài hạn của Masan Group là 30.425,6 tỷ đồng, giảm 22,7% so với hồi đầu năm.
Việc các khoản nợ tài chính tăng mạnh trong năm 2022 buộc Masan Group phải trích 6.361,6 tỷ đồng cho chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay với 4.847,7 tỷ đồng, tăng 3,82% so với năm 2021.