Mạng di động ảo với những đầu số 087, 055, 0777 có gì hấp dẫn mà khiến các ông lớn Masan, FPT Retail, VNPay ham muốn?

Trọng Nghĩa | 10:11 14/07/2023

MVNO (Mobile Virtual Network Operator) mạng di động ảo là một mô hình mới tại Việt Nam. Khác với các nhà mạng truyền thống bởi mạng di động ảo không sở hữu hạ tầng viễn thông của riêng mình. Thay vào đó, MVNO cung cấp dịch vụ điện thoại di động bằng cách mua lưu lượng từ các nhà mạng có sẵn, sau đó bán lẻ cho người dùng.

Mạng di động ảo với những đầu số 087, 055, 0777 có gì hấp dẫn mà khiến các ông lớn Masan, FPT Retail, VNPay ham muốn?

Mô hình mạng di động ảo tiết kiệm hạ tầng và tài nguyên cho phép triển khai dịch vụ nhanh chóng trên toàn quốc. Mặc dù phụ thuộc vào hạ tầng của nhà mạng chủ quản, nhưng các nhà mạng di động ảo thường tập trung vào thiết kế sản phẩm phù hợp với các nhóm người dùng.

Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 5 mạng di động ảo là Đông Dương Telecom, Mobicast, ASIM, Digilife và FPT Retail. Trong đó, mạng di động ảo của Đông Dương Telecom và Mobicast sử dụng hạ tầng của VinaPhone, còn mạng ASIM, Digilife và FPT Retail sử dụng hạ tầng của MobiFone. Duy nhất Viettel chưa có bất cứ một nhà mạng ảo nào có thể hợp tác, cho dù Viettel được cho là có hạ tầng mạnh nhất hiện nay.

Thời điểm năm 2010, khi mạng di động ảo mới manh nha xuất hiện ở thị trường Việt Nam, lãnh đạo một mạng di động lớn từng chia sẻ với Vietnamnet rằng gần như không còn đất cho mạng di động ảo. Có lẽ mạng di động ảo chỉ sống được khi mà các mạng di động có hạ tầng phải bán buôn lưu lượng cho mạng ảo ở một mức siêu rẻ đến phi kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp lại nhìn thấy cơ hội mới cho dịch vụ mạng di động ảo. 

Tháng 4/2019, Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom ra đời dịch vụ viễn thông Itelecom, trở thành nhà mạng ảo đầu tiên với đầu số 087. Qua hơn hai năm phát triển, nhà mạng này cho biết đến tháng 12/2021 đạt gần 3 triệu thuê bao.

Hơn một năm sau, vào tháng 6/2020, Công ty Mobicast khai trương mạng di động ảo thứ hai ở Việt Nam với thương hiệu Reddi, đầu số 055 nhưng sau đó đã “bán mình” cho tập đoàn Masan.

Công ty Viễn thông ASIM cũng đã cung cấp mạng ảo thương hiệu Local (mylocal.vn) với thử nghiệm dựa trên đầu số của MobiFone.

VNSKY là cái tên thứ tư trong làng MVNO, sử dụng đầu số 0777 và thuộc về Digilife - Công ty TNHH Dịch vụ số Digilife Việt Nam.

Thống kê vào cuối năm 2022 cho thấy, có đến 1.986 mạng di động ảo đang hoạt động trên toàn cầu, nhiều hơn gấp đôi số lượng của các nhà khai thác mạng viễn thông truyền thống. Doanh thu của thị trường này trên thế giới năm 2022 cũng đạt con số lý tưởng 78,15 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt qua mốc 124,81 tỷ USD vào năm 2028.

Trên thế giới, nhiều ngân hàng, ông lớn bán lẻ như Walmart cũng nhảy vào thị trường MVNO để cung cấp dịch vụ viễn thông cho khách hàng của họ. Ở Anh, 20% thị phần của thị trường di động thuộc về các nhà mạng ảo.

Tại Việt Nam, những doanh nghiệp đang có tập khách hàng lớn nhìn thấy cơ hội xây dựng hệ sinh thái riêng của mình. Trong đó, phải kể đến The Sherpa, công ty con của Masan đã mua lại 70% cổ phần Mobicast, bước đầu mở rộng sang lĩnh vực viễn thông. Đây là bước đi chiến lược trong lộ trình hiện thực hóa nền tảng “Point of Life” của ông lớn Masan.

Sở hữu hệ thống phân phối bán lẻ rộng khắp Masan Consumer, Techcombank, VinCommerce và Phúc Long, phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng am hiểu và thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng. 

Masan cho biết, việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là bước đầu để họ số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life”, mang đến trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online. Bằng cách kết hợp với cơ sở dữ liệu khách hàng của Reddi, Masan sẽ xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt để mang đến giá trị cho người tiêu dùng.

HSBC Global Research từng đánh giá Reddi như con át chủ bài của Masan trong việc mở rộng các dịch vụ kết hợp di động và Internet, tận dụng công nghệ và quan hệ đối tác. 

HSBC Global Research cho biết: “Chúng tôi mô hình hóa tiềm năng của Reddi và ước tính rằng, nếu nó có thể đạt được 1% thị phần di động vào năm 2025, thì đóng góp doanh thu gia tăng của nó cho toàn bộ nhóm sẽ là 1%.”

fpt-shop-895.jpg

Cũng như Masan, FPT Retail đang có nhiều lợi thế khi sở hữu mạng lưới bán lẻ trên toàn quốc với hơn 800 cửa hàng FPT Shop và gần 1.300 cửa hàng dược phẩm Long Châu. Mỗi năm, FPT Retail bán ra trên 1,5 triệu smartphone và thiết bị IoT các loại, đồng thời là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động đến hàng trăm nghìn khách hàng. Bên cạnh đó, FPT Retail có lợi thế khai thác hệ sinh thái dịch vụ số đa dạng của FPT để phát triển kinh doanh.

VNPay sở hữu lợi thế khi đang là đối tác cung cấp giải pháp thanh toán điện tử uy tín và tin cậy cho các đơn vị, tập đoàn lớn, bao gồm hơn 40 ngân hàng, 5 công ty viễn thông và hơn 150.000 doanh nghiệp. Nổi bật là dịch vụ VNPAY-QR cho phép khách hàng sử dụng tính năng QR-Pay/VNPAY-QR trên ứng dụng Mobile Banking hoặc ví điện tử để thanh toán các giao dịch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân mỗi ngày.

VNPAY chính thức thành lập vào tháng 3/2007 với 3 cổ đông sáng lập là ông Lê Tánh, ông Trần Trí Mạnh và ông Trần Văn Kỳ. Hiện nay, ông Lê Tánh đang là Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật của VNPAY và Digilife.

Sau 13 năm hoạt động, đến tháng 7/2020, VNPAY đã nâng vốn điều lệ lên mức 1.000 tỷ đồng. Thêm 3 lần tăng vốn điều lệ sau đó đã đưa vốn điều lệ của VNPAY đạt mức 3.568,5 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường viễn thông truyền thống đã bão hòa, các chuyên gia cho rằng, các nhà mạng ảo mới ra đời sau nếu không có hướng đi mới, khác biệt, tìm được thị trường ngách thì sẽ rất khó cạnh tranh, tồn tại và phát triển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Mạng di động ảo với những đầu số 087, 055, 0777 có gì hấp dẫn mà khiến các ông lớn Masan, FPT Retail, VNPay ham muốn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO