Mặc cho những biến động, các 'gã khổng lồ' Mỹ từ Walmart tới GM sẽ mãi là bên chi phối cuộc chơi

Vũ Anh | 11:14 24/08/2023

Các tập đoàn công nghệ Mỹ trở nên miễn nhiễm với hầu hết cuộc biến động.

Mặc cho những biến động, các 'gã khổng lồ' Mỹ từ Walmart tới GM sẽ mãi là bên chi phối cuộc chơi

Những đột phá mới đây về trí tuệ nhân tạo đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng sẽ có những tập đoàn cùng chung số phận với Kodak hay Blockbuster - hai gã khổng lồ bị đánh bại bởi cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Theo The Economist, các công ty lão làng thường ngại thay đổi sản phẩm và dịch vụ vì sợ ảnh hưởng lợi nhuận. Giữa những biến động về công nghệ, điều này tạo cơ hội cho những người chơi mới vốn không bị phân tâm bởi những cân nhắc trên. 

Dẫu vậy, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ không hề “xuống dốc”, thậm chí còn trở nên miễn nhiễm với hầu hết các biến động. Có lý do chính đáng để tin rằng họ vẫn sẽ luôn là người đứng đầu.

Hãy xem xét Fortune 500 để hiểu rõ về các tập đoàn lớn nhất nước Mỹ tính theo doanh thu. The Economist đã xem xét năm thành lập, các vụ sáp nhập và chia tách để vẽ nên bức tranh tổng thể. 

Trong đó, có 52 trong tổng số 500 tập đoàn được thành lập sau năm 1990 - tiêu chuẩn của kỷ nguyên Internet, bao gồm Alphabet, Amazon và Meta. Apple và Microsoft không nằm trong số này bởi được thành lập từ những năm 1970. 

Sau khi Apple trình làng chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007, chỉ 7 trên tổng số 500 công ty được thành lập. Điều này đồng nghĩa với việc tốc độ xuất hiện của những tập đoàn khổng lồ mới đang chậm lại. Năm 1990, chỉ có 66 công ty trong danh sách Fortune 500 có số năm tuổi từ 30 trở xuống. Số năm tuổi trung bình tăng từ 75 lên 90. 

Tốc độ biến động cạnh tranh đang chậm lại, từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đương nhiệm thích nghi với kỹ thuật số. 65% người Mỹ hiện giao dịch ngân hàng trực tuyến và hầu hết các ngân hàng họ sử dụng dịch vụ để có số năm tuổi khá cao, trong đó có JPMorgan Chase và Bank of America. Chưa đến 10% người Mỹ chuyển đổi ngân hàng vào năm ngoái, theo Kearney.

Walmart, nhà bán lẻ hùng mạnh nhất nước Mỹ, gần như đã bỏ lỡ sự phát triển của thương mại điện tử. David Glass, giám đốc điều hành của công ty vào những năm 1990, khi đó dự đoán rằng doanh số bán hàng trực tuyến sẽ không bao giờ vượt qua được doanh số bán hàng tại kho vận. Tuy nhiên, sức mạnh tài chính và lượng khách hàng khổng lồ của Walmart vẫn tạo cơ hội cho tập đoàn này thay đổi hướng đi. Hiện hãng chỉ thua mỗi Amazon nếu xét đến hoạt động bán hàng trực tuyến.

Sự tăng trưởng gần đây của Ford và General Motors, hai nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ, cũng là một ví dụ. Lượng tiền mặt khổng lồ đã giúp hãng này tái tạo thành công hoạt động kinh doanh vào đúng thời điểm việc huy động vốn ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với những người chơi mới. 

Alphabet, Amazon, Apple, Meta và Microsoft đã đầu tư tổng cộng 200 tỷ USD vào hoạt động nghiên cứu phát triển hồi năm ngoái. John Deere, tập đoàn thiết bị nông nghiệp lớn nhất của Mỹ được thành lập vào năm 1837, thì đi đầu trong việc cải tiến máy kéo không người lái và thiết bị phun thuốc thông minh. Deanna Kovar, giám đốc điều hành công ty cho biết tham vọng của John Deere là giúp hoạt động nông nghiệp hoàn toàn tự chủ vào năm 2030. 

Nhân khẩu học cũng là yếu tố quyết định mức độ cạnh tranh của các tập đoàn lớn. Theo John Van Reenen của Trường Kinh tế London, các công ty non trẻ thường được thành lập bởi người trẻ, song từ năm 1980 đến năm 2020, tỷ lệ dân số Mỹ trong độ tuổi từ 20 đến 35 giảm từ 26% xuống 20%. Tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới giảm từ 12% xuống 8% trong cùng kỳ.

Theo một nghiên cứu hồi năm 2019 so sánh mối tương quan trong tăng trưởng dân số và hoạt động hình thành doanh nghiệp mới tại Mỹ, chuyên gia Fatih Karahan thuộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York kết luận rằng tốc độ tăng trưởng dân số giảm là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thành lập doanh nghiệp lao dốc. 

Tỷ lệ nộp đơn xin thành lập doanh nghiệp mới ở Mỹ tăng mạnh vào cuối năm 2020 và kể từ đó vẫn duy trì ở mức cao so với trước đại dịch. Sự bùng nổ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khách sạn và bán lẻ vốn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch. Những người lạc quan hy vọng rằng làn sóng đầu tư mới đây sẽ giúp các startup duy trì đà tăng trưởng, song ngay cả trong hoàn cảnh đó, các tập đoàn khổng lồ trong quá khứ vẫn sẽ là bên có khả năng chi phối cuộc chơi. 

Theo: The Economist 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Mặc cho những biến động, các 'gã khổng lồ' Mỹ từ Walmart tới GM sẽ mãi là bên chi phối cuộc chơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO