Khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào năm 2022, giá dầu đã tăng vọt lên hơn 100 USD (24,5 triệu VND)/một thùng. Nhưng bất chấp nguy cơ căng thẳng leo thang ở Trung Đông và các cuộc tấn công vào hoạt động vận tải biển ở Biển Đỏ, thị trường dầu mỏ vẫn chưa bùng nổ trong giai đoạn gian này.
Giá dầu tăng cao vào tháng trước sau cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen nhằm đáp trả các cuộc công kích liên tục vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ. Giá dầu thô cũng biến động khi Phố Wall đánh giá xu hướng lãi suất, đồng đô la Mỹ và xung đột địa chính trị.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn còn xa mới chạm mức cao nhất như ghi nhận năm 2022. Giá dầu thô Trung cấp West Texas (WTI) theo chuẩn của Mỹ ổn định ở mức 77,59 USD/thùng vào thứ Năm, trong khi giá dầu thô Brent theo chuẩn quốc tế giữ ở mức 82,86 USD/thùng.
Một yếu tố có thể giữ được mức trần cho giá dầu là nhu cầu suy yếu. Một báo cáo tháng 2 từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm thứ Năm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trên toàn cầu sẽ giảm xuống 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2024, từ mức 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Dự báo được đưa ra khi tăng trưởng nhu cầu dầu giảm xuống 1,8 triệu thùng/ngày trong quý 4/2023, từ 2,8 triệu thùng/ngày trong quý trước đó.
“Tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu đang mất đà. Giai đoạn tăng trưởng sau đại dịch phần lớn đã kết thúc,” cơ quan này nhận định.
Tuy nhiên, đối với một số nền kinh tế, giai đoạn tăng trưởng đó khá mờ nhạt. Nền kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ phục hồi bùng nổ vào năm 2023 sau khi đóng cửa vì đại dịch Covid. Nhưng khủng hoảng bất động sản, chi tiêu yếu và tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên đã khiến nền kinh tế bị đình trệ.
Các quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế. Vương quốc Anh rơi vào suy thoái sau khi GDP của nước này giảm 0,3% trong quý 4/2023, sau mức giảm 0,1% trong quý trước đó.
Nhật Bản cũng bất ngờ rơi vào suy thoái sau khi tiêu dùng trong nước yếu khiến GDP nước này giảm quý thứ hai liên tiếp. Điều này khiến Nhật Bản mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức.
Trong khi kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ bất chấp tốc độ tăng lãi suất đáng kinh ngạc của Cục Dự trữ Liên bang, một số nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái vào cuối năm nay khi người Mỹ bị kìm kẹp bởi lãi suất cao và tiết kiệm sau đại dịch vơi dần.
Khi mà tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu đang chậm lại thì nguồn cung vẫn tương đối mạnh và có khả năng gia tăng áp lực giảm giá lên giá dầu. Mỹ ước tính sản xuất 13,3 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ mỗi ngày trong quý 4/2023, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử.
Ngoài ra, một số quốc gia OPEC+ chủ chốt cũng sản xuất nhiều dầu hơn trong tháng 1 so với kế hoạch. Theo báo cáo của IEA, Iraq đã bơm thêm 230.000 thùng và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sản xuất thêm 300.000 thùng.
Báo cáo IEA cho biết nguồn cung dầu toàn cầu tăng cao trong năm nay, dẫn đầu là Mỹ, Brazil, Guyana và Canada, sẽ làm lu mờ sự gia tăng dự kiến về nhu cầu dầu thế giới.
Theo CNN