Trên đoạn đường từ Chennai đến Bengaluru-Ấn Độ có 3 tòa nhà lớn được bảo vệ chặt chẽ. Chúng thuộc về tập đoàn sản xuất Foxconn. Nằm cách đó không xa là Pegatron, một hãng công nghệ khác nữa. Ở gần đó còn có nhà máy của Salcomp, một doanh nghiệp Phần Lan, và Tata, tập đoàn đa ngành lớn nhất Ấn Độ.
Điểm chung của tất cả những nhà máy này là đều phục vụ một khách hàng mà ai cũng biết: Apple.
Theo tờ The Economist, sự bùng nổ hàng loạt nhà máy đối tác cung ứng cho Apple tại miền Nam Ấn Độ là một dấu hiệu cho sự dịch chuyển mới của nhà táo khuyết.
Sau 20 năm hoạt động, Apple đã thành công tăng doanh thu gấp 70 lần, cổ phiếu tăng 600 lần còn tổng giá trị thị trường lên tới 2,4 nghìn tỷ USD và một phần nguyên nhân rất lớn đến từ sự đặt cược đúng đắn vào Trung Quốc.
Nhà táo khuyết đã dịch chuyển sản xuất sang Trung Quốc để tận dụng chi phí rẻ cũng như thị trường tỷ dân tại đây. Hệ quả là Trung Quốc chiếm tới hơn 90% tỷ lệ sản xuất sản phẩm cho Apple, đồng thời đóng góp đến ¼ doanh thu cho hãng này.
Thế nhưng những biến động về địa chính trị, đại dịch, chiến tranh thương mại cũng như tranh cãi về công nghệ giữa Mỹ-Trung Quốc đã khiến Apple phải suy nghĩ lại. Với chi phí sản xuất không còn rẻ như trước đây, Trung Quốc trở thành một thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cho nhà táo khuyết.
Từ bỏ
Nhà táo khuyết thường tự hào các sản phẩm của hãng được thiết kế bởi chính Apple tại California dù được lắp ráp ở nhiều nước. Thế nhưng Trung Quốc lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chuỗi cung ứng của hãng khi có vô số nhà máy hoạt động để đóng góp cho nhà táo khuyết. Theo thống kê của The Economist, Trung Quốc có khoảng 150 nhà máy lớn là đối tác của Apple, chưa kể vô số những nhà máy chân rết nhỏ hơn.
Bản thân CEO Tim Cook cũng là người có xu hướng ủng hộ thuê ngoài sản xuất với các nhà máy hợp đồng như hiện nay. Trong các chuyến thăm Trung Quốc, CEO Tim Cook cũng bày tỏ mối quan hệ thân mật với chính quyền Bắc Kinh khi chấp nhận loại bỏ những ứng dụng bị cho là nhạy cảm, đồng thời giữ thông tin của người dùng Trung Quốc tại máy chủ địa phương để các cơ quan chức năng quản lý.
Vậy nhưng mối quan hệ này đang dần mờ nhạt khi CEO Tim Cook đã không hề đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2019. Đổi lại, ông lại có chuyến thăm Việt Nam cũng như dự định mở cửa hàng bán iPhone chính hãng đầu tiên tại Ấn Độ.
Tờ The Economist nhận định cả Việt Nam lẫn Ấn Độ là 2 nước được hưởng lợi nhiều nhất từ sự dịch chuyển sản xuất của Apple. Năm 2017, nhà táo khuyết có 18 doanh nghiệp cung ứng tại 2 quốc gia này thì đến năm 2021, con số đã trở thành 37.
Tháng 9/2022, Apple đã gây chấn động giới truyền thông địa phương khi lần đầu tiên sản xuất dòng iPhone 14 mới tại các nhà máy Ấn Độ, trong khi trước đây họ chỉ sản xuất các đời máy cũ ở thị trường này.
Thế rồi mới đây, giới truyền thông tiếp tục đưa tin Apple sẽ sản xuất MacBook tại Việt Nam. Báo cáo của JP Morgan Chase cho thấy gần một nửa số tai nghe AirPod của nhà táo khuyết đã được sản xuất tại Việt Nam và tỷ lệ này sẽ lên 2/3 vào năm 2025.
Cũng theo Morgan, nếu hiện nay chỉ chưa đến 5% tổng sản phẩm của Apple được sản xuất ngoài Trung Quốc thì vào năm 2025, con số này sẽ lên 25%.
Theo đuôi
Trong khi Apple dịch chuyển khỏi Trung Quốc thì nhiều nhà cung ứng cũng nối gót theo đuôi. Tỷ lệ tài sản dài hạn của các hãng công nghệ điện tử Đài Loan tại Trung Quốc đã giảm từ 43% năm 2017 xuống còn 31% năm 2021.
Hơn 20 năm trước, ngành dệt may đã có cuộc dịch chuyển tương tự sau khi đại dịch SARS diễn ra. Chính chuyên gia Dominic Scriven của Dragon Capital tại Việt Nam cũng đã phải nhận định đại dịch SARS đã khiến nhiều nhà máy đang hoạt động ở Trung Quốc phải tính đến phương án dự phòng.
Tờ The Economist nhận định đại dịch Covid-19 đang dạy cho các hãng công nghệ một bài học tương tự. Phía Morgan cho biết các lệnh giãn cách đã khiến nhiều nhà máy cung ứng cho Apple bị ảnh hưởng hoạt động và lỡ tiến độ, buộc nhà táo khuyết phải có giải pháp thay thế.
Một vấn đề nữa là chi phí. Mức lương bình quân tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Báo cáo của JETRO cho thấy tính đến năm 2020, một công nhân nhà máy bình thường tại Trung Quốc có thể kiếm 530 USD/tháng, cao gấp đôi so với Việt Nam hay Ấn Độ.
Tại Ấn Độ, cơ sở hạ tầng yếu kém là một lực cản nhưng chính phủ nước này cũng đang cố gắng khắc phục nhanh chóng nhằm thu hút thêm nhà đầu tư như Apple.
Phía Việt Nam cũng có động thái tương tự khi có những chính sách ưu đãi về thuế, rồi các thỏa thuận thương mại tự do như hiệp định mới ký với Liên minh Châu Âu (EU).
Trong khi đó, Apple cũng đang ngày càng coi trọng những thị trường địa phương khác ngoài Trung Quốc. Ấn Độ hiện đang là thị trường tiêu thụ smartphone lớn thứ 2 thế giới. Dù iPhone quá đắt đỏ so với mức thu nhập bình quân của người dân Ấn Độ nhưng điều này không ngăn cản đà tiêu thụ của nhà táo khuyết.
Tháng 7/2022, Apple báo cáo doanh thu tại Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi trong quý II so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do sự bùng nổ doanh số bán iPhone.
Suy giảm
Trung Quốc từng là thị trường quan trọng với Apple nhưng giờ đây thời hoàng kim đã qua. Vào năm 2015, thị trường này chiếm đến 25% tổng doanh thu hàng năm của nhà táo khuyết, cao hơn cả Châu Âu nhưng giờ đây lại giảm đều liên tục xuống chỉ còn 19%.
Với động thái tăng cường công nghệ nội địa của Trung Quốc, tờ The Economist dự đoán các hãng nước ngoài như Apple sẽ ngày càng vấp phải sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ chính quyền Bắc Kinh và việc tìm kiếm một lựa chọn dự phòng là điều không thể tránh khỏi.
Thêm vào đó, cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung khiến thị trường tỷ dân trở nên rủi ro hơn với những tập đoàn quốc tế như Apple. Thậm chí vào mùa hè năm nay, Apple đã phải đề nghị các nhà máy hợp đồng của Đài Loan dán nhãn “sản xuất tại Trung Quốc” lên linh kiện cung ứng cho nhà táo khuyết theo yêu cầu từ phía hải quan.
Về phía Mỹ, căng thẳng tiếp tục leo thang khi chính quyền Washington ra lệnh cấm người dân không được làm việc cho một số nhà máy chip của Trung Quốc, đồng thời ra lệnh hạn chế bán chip hiện đại cho thị trường này.
Tờ Nikkei Asian Review cho biết Apple từng ký hợp đồng mua chip nhớ từ YMTC cho iPhone do giá rẻ khi hãng này được Trung Quốc trợ giá, nhưng sau lệnh cấm của Mỹ, nhà táo khuyết nhiều khả năng phải tạm dừng thỏa thuận này.
Nghi vấn
Mặc dù vậy, The Economist vẫn đặt nghi vấn liệu Apple có thể hoàn toàn từ bỏ Trung Quốc hay không kể cả khi đã dịch chuyển ra nước ngoài. Bởi ngay cả khi đặt nhà máy ở những nước khác, các thương hiệu Trung Quốc cũng có thể theo đuôi và có lợi thế nhờ mối quan hệ cung ứng lâu năm với nhà táo khuyết.
Một số nhà cung ứng của Trung Quốc như Luxshare, Goertek hay Wingtek đã tăng cường mảng cung ứng cho Apple ở các nhà máy bên ngoài nước này. Ví dụ, Luxshare và Goertek được cho là đã tăng cường sản xuất AirPod tại Việt Nam.
Vào tháng 9/2022, truyền thông Ấn Độ đưa tin nước này sẽ cho phép các nhà máy Trung Quốc được xây dựng tại một số khu công nghiệp bất chấp căng thẳng ngoại giao.
Hãng Morgan Chase dự đoán tỷ lệ sản xuất linh kiện iPhone của các nhà máy Trung Quốc sẽ tăng từ 7% trong năm nay lên đến 24% vào năm 2025. Đồng thời trong 3 năm tới, các nhà máy Trung Quốc cũng sẽ tăng cường tỷ lệ đóng góp linh kiện cho toàn bộ dải sản phẩm của Apple bất chấp có dịch chuyển đi đâu chăng nữa.
*Nguồn: The Economist