Lùi thời hạn sửa Luật Đất đai: Chậm mà chắc

Lê Sáng | 14:59 19/04/2022

Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 được đánh giá sẽ là chìa khóa giúp thị trường bất động sản tăng trưởng bền vững, minh bạch, đẩy nhanh quá trình vốn hóa đất đai một cách hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Lùi thời hạn sửa Luật Đất đai: Chậm mà chắc
Một dự án của GP.Invest tại tỉnh Phú Thọ từng bị "tắc" hàng thập kỷ do vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai.

5 lần sửa đổi vẫn "lạc hậu".

Luật Đất đai đã ra đời gần 30 năm với 5 lần sửa đổi, bổ sung và gần nhất là vào năm 2013.

Theo nhận định của các chuyên gia, đến nay, sau hơn 8 năm có hiệu lực, Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo so với các Luật khác dẫn đến việc mập mờ về trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện trong thực tiễn.

Từ năm 2021, Chính phủ cũng đã chỉ ra những bất cập của Luật Đất đai 2013 tại Tờ trình số 224/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề nghị đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, một số vấn đề lớn được đặt ra như sự chồng chéo của Luật Đất đai so với các Luật khác dẫn đến việc mập mờ về trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; nguồn lực về đất đai trong thời gian qua thiếu vắng của thị trường đất đai minh bạch, rõ ràng đã tác động xấu, làm méo mó quá trình đô thị; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra.

Theo một thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào năm 2019 cho thấy có đến 98% lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo mà Bộ này nhận được hàng năm liên quan đến lĩnh vực đất đai.

​Dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu cho rằng, một trong những điểm “chưa ổn” nhất của Luật Đất đai 2013 là quy định dự án phải giải phóng xong mặt bằng mới được quyết định giao đất. Trong khi đó, chỉ những dự án có giá trị kinh tế xã hội lớn, thường là dự án đầu tư công thì các cấp chính quyền mới đứng ra giải phóng mặt bằng, còn những dự án đầu tư của doanh nghiệp dù cũng có thể đem lại lợi ích kinh tế xã hội không hề nhỏ nhưng vẫn phải tự đi thương thảo với từng hộ dân.

Theo ông Hiệp, chính điều này đang vô tình đặt các doanh nghiệp trong thế “tiến thoái lưỡng nan” khi khi giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. Cụ thể, nếu tại một dự án dù 99% số hộ dân trong phạm vi quy hoạch đã đồng ý nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chỉ có 1 đến 2 hộ không chấp nhận, kiên quyết “cố thủ” thì doanh nghiệp cũng “phải chịu”.

Chia sẻ quan điểm về sự bức thiết của công tác sửa đổi Luật Đất đai 2013, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Luật đất đai 2013 còn khá nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm được xem xét, nghiên cứu để sửa đổi, nhất là những quy định về cơ chế vốn hóa đất đai và tích tụ đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

GS. Đặng Hùng Võ phân tích, hiện nay các doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để phát triển các dự án về nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Thực tế, mặc dù doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng xong đất nông nghiệp từ các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức rồi nhưng không được lập dự án ngay mà còn phải thực hiện thêm bước thủ tục "xin" thuê đất với Nhà nước. Hay nói cách khác, chi phí tiếp cận đất là gấp đôi.

Còn theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội - Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc sửa đổi Luật đất đai 2013 được kỳ vọng sẽ giải được bài toán hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong câu chuyện về giá đất.

Cụ thể, PGS.TS Doãn Hồng Nhung cho rằng hiện nay, việc áp dụng Bảng và Khung giá đất đang tạo ra sự chênh lệch giữa giá đất thị trường và giá đất theo quy định của Nhà nước. Điều này tạo ra không ít hệ lụy, điển hình nhất là tình trạng mua bán nhà đất 2 giá nhằm trốn thuế.

Cẩn trọng hơn trong lần sửa thứ 6

Tại phiên họp thứ 10 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc sửa đổi Luật Đất đai. Đây là lần sửa đổi thứ 6 kể tù khi có Luật Đất đai. 

Tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ đã đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Đây là lần thứ 4 Chính phủ xin lùi sửa đổi Luật Đất đai kể từ khi được đưa vào chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019).

Nhận định về việc xin lùi thời điểm trình dự án Luật Đất đai sửa đổi của Chính phủ, PGS.TS Doãn Hồng Nhung cho rằng bên cạnh việc đợi Trung ương tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW thì là một động thái cần thiết “chậm mà chắc”.

Cũng theo bà Doãn Hồng Nhung, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 sẽ phải xử lý được những những tồn tại hiện hữu liên quan đến đất đai trong một loạt Luật khác như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản; Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, Luật Quy hoạch,… Do đó, việc lùi này là hợp lý để có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng bởi ảnh hưởng của Luật đất đai là rất lớn đối với nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là khối doanh nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lùi thời hạn sửa Luật Đất đai: Chậm mà chắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO