Dòng tiền của nhóm Liên Việt - Him Lam tại dự án 61 Trần Phú, Hà Nội

Hải Sơn | 22:08 15/04/2022

Khu "đất vàng" 61 Trần Phú (Ba Đình - Hà Nội) đang thuộc quyền quản lý của công ty con thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT). Tuy nhiên, từ khi dự án xây toà nhà mới tại đây được chấp thuận chủ trương, nhóm Him Lam – Liên Việt đã rót khoảng 800 tỷ đồng để tham gia dự án này.

Dòng tiền của nhóm Liên Việt - Him Lam tại dự án 61 Trần Phú, Hà Nội
Nhóm Liên Việt Holding – Him Lam đã gia tăng ảnh hưởng thông qua việc mua thêm cổ phần của Postef.

Dự án 10 năm

Ngày 6/4 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội khẩn trương yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình), đồng thời tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án này. Kết quả thực hiện chỉ đạo báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 8/4/2022.

Quyết định dừng thi công dự án tại số 61 Trần Phú được đưa ra trong bối cảnh dư luận lo ngại rằng công trình thay thế gồm tổ hợp thương mại, dịch vụ và khách sạn cao cấp cao 11 tầng có thể phá vỡ cảnh quan kiến trúc của Khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Công trình cũ trên khu đất này vốn là toà nhà Pháp cổ, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, toạ lạc trên khu “đất vàng”rộng hơn 9.000 m2, tiếp giáp 4 tuyến phố gồm Trần Phú, Lê Trực, Hùng Vương và Nguyễn Thái Học. Nhiều năm qua, toà nhà này được sử dụng làm trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty CP Thiết bị Bưu Điện (Postef – Mã CK: POT).

Postef là công ty con của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam khi tập đoàn này nắm 50% vốn điều lệ.

Từ năm 2011, Postef đã có chủ trương biến khu đất này thành tòa nhà Công trình đa chức năng. Postef đã liên danh cùng Liên Việt Holding và CTCP Him Lam để xây dựng Công trình đa chức năng với 11 tầng nổi và 6 tầng hầm với tổng mức đầu tư hơn 1.574,5 tỷ đồng.

Tới tháng 6/2017, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định 3841 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Đến đầu năm 2018, theo công văn số 401/KHĐT-NNS ngày 18/1/2018 của Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, Postef đã nộp hơn 24,7 tỷ đồng ký quỹ vào tài khoản của Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội để đảm bảo thực hiện dự án.

Tới tháng 9/2018, Postef tiếp tục nộp gần 604,15 tỷ đồng tiền thuê đất trả tiền một lần cho 7.523m2 đất dự án theo thông báo số 19289/CCT-TB&TK của Chi cục Thuế Ba Đình.

Ngoài ra, Postef còn nộp thêm 5,34 tỷ đồng cho 1.555m2 đát nằm trong chỉ giới mở đường mà Postef đang sử dụng.

Tuy nhiên, mãi đến năm 2020, dự án mới được chấp thuận các thiết kế của cơ quan chức năng. Năm 2021, liên danh này mới tìm nhà thầu thi công.

Đến đầu tháng 4/2022, dự án này mới được triển khai và vấp phải sự phản đối của dư luận, khiến Thành ủy Hà Nội và Bộ Xây dựng yêu cầu phải rà soát lại dự án.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Kiến trúc Hà Nội, dự án được phê duyệt đúng quy trình. Công trình tòa nhà Pháp cổ trên không thuộc dạng cần bảo tồn… Do đó, việc dự án có thể tiếp tục triển khai là khó tránh khỏi.

Còn nếu dự án thuộc diện bị hủy bỏ, Hà Nội sẽ phải trả lại cho liên danh Postef không dưới 634 tỷ đồng tiền thủ tục thực hiện dự án. Đây là một con số không nhỏ đối với ngân sách hiện nay.

Đất vàng sẽ về tay nhóm Him Lam?

Trở lại với liên danh Postef – Liên Việt Holding – Him Lam, theo báo cáo tài chính của Postef, số tiền của doanh nghiệp này đầu tư vào dự án hiện đều là tiền đi vay của Liên Việt Holding.

Theo hợp đồng hợp tác đầu tư số 40 năm 2011 giữa 3 bên, vốn góp của dự án là 1.039,2 tỷ đồng, tổng mức đầu tư là 3.200 tỷ đồng. Postef góp bằng quyền sử dụng đất – tương đương 530 tỷ đồng (51%), bộ đôi Liên Việt Holding – Him Lam góp 509,2 tỷ đồng còn lại.

Đến năm 2019, khi dự án này mới chỉ được cấp chủ trương đầu tư, đang tiến hành cấp giấy phép xây dựng, Liên Việt Holding đã chuyển cho Postef 836 tỷ đồng để nộp tiền thuê đất và các chi phí khác.

Đến nay, Báo cáo tài chính công ty mẹ đã kiểm toán năm 2021 vẫn ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang khi đầu tư vào dự án 61 Trần Phú là 809,1 tỷ, trong đó khoản nợ phải trả dài hạn cho Liên Việt Holding khi đầu tư vào dự án này là 846 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo Nghị quyết tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019, Postef đã có chủ trương chuyển nhượng dự án này. Tuy nhiên Đại hội cổ đông năm 2021 đã tạm dừng chủ trương chuyển nhượng.

Nhưng trong Báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2021, Postef cho biết sẽ xin phê duyệt từ VNPT về chủ trương chuyển nhượng này.

Với mối liên hệ thân thiết kể trên, sẽ không bất ngờ nếu chính là Liên danh Liên Việt Holdings - Him Lam Group tiếp tục được chọn là đối tác trong lần sang nhượng này.

Một thông tin đáng chú ý, mối liên hệ giữa Postef – Liên Việt Holding – Him Lam không chỉ gói gọn trong hợp đồng hợp tác cũng như nguồn tiền thực hiện dự án 61 Trần Phú từ Liên Việt Holding, mà nhóm Liên Việt Holding – Him Lam cũng gia tăng ảnh hưởng thông qua việc mua thêm cổ phần của Postef.

Hiện, ngoài VNPT, Postef có cổ đông lớn khác là bà Nguyễn Thị Bích Hồng nắm giữ 7,72% vốn điều lệ.

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng nguyên là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Liên Việt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dòng tiền của nhóm Liên Việt - Him Lam tại dự án 61 Trần Phú, Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO