Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, Mã: VNM) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 8.578 tỷ đồng – lần đầu tiên mất mốc 9.000 tỷ trong vòng 7 năm qua. Nguyên nhân không chỉ đến từ việc doanh thu suy giảm mà các chi phí như giá vốn, chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá cũng đều là những gánh nặng cho doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam.
Vốn là một doanh nghiệp chi mạnh cho quảng cáo bán hàng, trong năm 2022, tổng khoản chi phí dịch vụ khuyến mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ bán hàng cùng chi phí quảng cáo trong năm của Vinamilk cũng ghi nhận mức 9.916 tỷ đồng. Tương đương, mỗi ngày "anh cả" ngành sữa bỏ ra hơn 27 tỷ đồng để hỗ trợ thúc đẩy bán hàng.
Dù vẫn là "bá chủ" trong ngành sữa tại Việt Nam, nhưng sau nhiều năm tăng trưởng với tốc độ hai con số, doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk có dấu hiệu đi chậm lại từ năm 2018.
Theo số liệu thống kê, trong quý 4/2022, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk tiếp tục giảm xuống còn 38,8%, kéo dài xu hướng giảm từ đầu năm 2020 đến nay và là quý thứ 2 giảm xuống dưới ngưỡng 40%.
Để cải thiện biên lợi nhuận, Vinamilk đã giảm chi phí quảng cáo sau nhiều năm chi mạnh.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm Vinamilk chi khoảng 2.000 tỷ đồng cho chi phí quảng cáo nói riêng. Tuy nhiên đến năm 2020 và 2021, hai năm dịch COVID-19 bùng phát, thì Vinamilk mạnh tay cắt giảm chi phí này, với số tiền quảng cáo năm 2020 là 1.440 tỷ (giảm hơn 30% so với giai đoạn trước) và năm 2021 là 1.233 tỷ (giảm gần 50%). Và đến năm 2022 chỉ còn 1.198 tỷ.
Nếu tính cả chi phí dịch vụ khuyến mại, hỗ trợ và chi phí quảng cáo... thì giai đoạn 2016 - 2021, con số này vẫn tương đương trên dưới 19% doanh thu cả năm của Vinamilk. Sau đó, nó đã liên tục giảm và đến năm 2022 thì xuống mức thấp nhất - tương ứng 16,5% doanh thu.
Năm 2022, Vinamilk chi 9.916 tỷ đồng để hỗ trợ bán hàng và quảng cáo tiếp thị trong khi đạt doanh thu gần 60.000 tỷ. Công ty đã cắt giảm 546 tỷ đồng cho hoạt động này.
Theo đánh giá từ VCBS hồi tháng 3/2022, thị trường sữa tươi nội địa Việt Nam sẽ dần ổn định, bản thân Vinamilk sẽ không còn nhiều dư địa tăng trưởng trong vòng 2 đến 3 năm tới. Do đó có thể hiện tại kế hoạch của Vinamilk chỉ là marketing để giữ thị phần, không đổ tiền để chiếm thị phần nữa. Vì vậy họ mới thực hiện những điều chỉnh về ngân sách quảng cáo để phù hợp với chiến lược phát triển mới này.
Vinamilk hiện vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc về thương hiệu và làm mới bao bì, hương vị và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.