Mùa kiểm toán báo cáo tài chính 2022 tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp lệch pha giữa báo cáo tự lập và báo cáo tài chính sau soát xét.
Lãi giảm sâu hậu kiểm toán
Trường hợp gây chú ý nhất là Công ty CP Thép Nam Kim (NKG) khi lỗ tăng gấp đôi sau kiểm toán. Cụ thể, sau kiểm toán, doanh nghiệp thép này ghi nhận khoản lỗ lên đến 124,7 tỷ đồng, gấp đôi so với mức lỗ 66,7 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.
Một số khoản mục trên báo cáo tài chính thay đổi có thể kể đến như giá vốn hàng bán, thu nhập khác, chi phí khác, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến Nam Kim lỗ gấp đôi là do giá vốn hàng bán tăng.
Giải trình về vấn đề này, Nam Kim cho biết giá vốn trước kiểm toán là 21.529 tỷ đồng tuy nhiên sau kiểm toán chênh thêm 60,8 tỷ đồng chủ yếu do trích lập dự phòng hàng tồn kho tại công ty con Ống thép Nam Kim và không thực hiện loại trừ lỗ chưa thực hiện năm nay đối với công ty con "Ống thép Nam Kim".
Tương tự, Báo cáo kiểm toán 2022 của CTCP Thaiholdings (mã THD) ghi nhận doanh thu thuần vẫn ở mức 4.112 tỷ đồng. Biến động bắt đầu từ khoản mục doanh thu hoạt động tài chính khi tăng 15% lên 571 tỷ đồng sau kiểm toán. Trong đó thay đổi lớn nhất là lãi bán các khoản đầu tư tăng vọt lên 551 tỷ đồng.
Chi phí tài chính cũng điều chỉnh tăng thêm tới 73% khi chiếm 180 tỷ đồng sau kiểm toán. Ngược lại, lãi liên doanh liên kết giảm gần 90% về vỏn vẹn 5 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sau kiểm toán giảm 10% tức gần 28 tỷ đồng xuống mức 244 tỷ đồng.
Thaiholdings giải trình việc lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán giảm là do các công ty liên kết của Thaiholdings xác định lại kết quả kinh doanh năm 2022, từ đó làm giảm lãi trong các công ty liên kết.
Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2022 của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) sụt mất 118 tỷ đồng xuống còn 931 tỷ đồng. Nguyên nhân được doanh nghiệp đưa ra là do giảm lợi nhuận từ một số hợp đồng thi công xây lắp của các công ty con tại các dự án đầu tư xây dựng dở dang của công ty.
Một doanh nghiệp là Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa (mã BTP) cũng "mất" 7 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán. Cụ thể theo giải trình của BTP, tổng lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2022 tại báo cáo tự lập là 77,6 tỷ đồng. Tại báo cáo tài chính đã kiểm toán vừa công bố, lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 70 tỷ đồng.
Theo giải thích của doanh nghiệp, sự sụt giảm này do quyết toán tiền lương năm 2022 chênh lệch tăng hơn 10 tỷ đồng so với số tạm hạch toán trước kiểm toán. Đồng thời do công ty điều chỉnh chi phí đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 do nộp thừa, phải nộp bổ sung chi phí BHXH năm 2022.
Hậu kiểm toán, Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC) cũng ghi nhận lợi nhuận TDC chỉ còn 34,7 tỷ đồng, giảm hơn 12% so với báo cáo tự lập trước đó. Theo lý giải của ban lãnh đạo doanh nghiệp này, lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính sau kiểm toán giảm gần 5 tỷ đồng so với tự lập là do điều chỉnh tăng thuế TNDN năm 2020, 2021.
Lợi nhuận sau thuế của CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (mã TNS) sau soát xét lại giảm 28,5% so với báo cáo tự lập, xuống còn vỏn vẹn 263 triệu đồng. Bên cạnh đó, kiểm toán còn chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kễ về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Do đó, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về BCTC của Thép tấm lá Thống Nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022.
Phía sau những con số "nhảy múa" trên BCTC
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, báo cáo tài chính là một trong những tài liệu quan trọng để cổ đông đánh giá "sức khoẻ" tài chính của doanh nghiệp trước khi xuống tiền mua cổ phiếu.
Trên thực tế, trên thị trường chứng khoán, vẫn có giai đoạn đón "sóng" báo cáo tài chính doanh nghiệp. Nhiều cổ phiếu cũng có biến động tăng/ giảm theo số liệu tài chính mà báo cáo tài chính doanh nghiệp đưa ra.
Tình trạng lệch pha giữa số liệu lợi nhuận trên báo cáo tài chính tự lập và sau kiểm toán luôn "nóng" mỗi mùa báo cáo tài chính soát xét công bố. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tính minh bạch của thị trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư.
Phân tích sâu hơn về nguyên nhân sự chênh lệch này, chuyên gia đưa ra hai trường hợp. Thứ nhất, một số doanh nghiệp vô ý, thiếu sót trong quá trình hợp nhất khi không ước tính đầy đủ số liệu hợp nhất của công ty con dẫn đến sự chênh lệch số liệu sau kiểm toán. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp cố tình muốn "né" bớt tình hình khó khăn của doanh nghiệp để tránh làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Thông thường, các doanh nghiệp vốn hoá lớn sẽ có mức độ chênh lệch giữa báo cáo tài chính hợp nhất và sau kiểm toán khá ít, tính minh bạch cao hơn. Ngược lại, những doanh nghiệp có vốn hoá vừa và nhỏ thì độ sai lệch sau kiểm toán nhiều hơn.
Theo chuyên gia, rất khó để nhận biết doanh nghiệp đã "chế biến" các khoản mục trên báo cáo tài chính ra sao bởi không đủ nguồn lực kiểm chứng thông tin. Tuy nhiên để tránh những rủi ro trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư nên lưu ý một vài yếu tố.
(1) Lịch sử doanh nghiệp. Có nghĩa cần tìm hiểu trong quá khứ doanh nghiệp đã từng xảy ra những tình trạng tương tự hay chưa để nhận diện tính minh bạch của doanh nghiệp.
(2) Ngành nghề kinh doanh. Chuyên gia cho rằng cần chú ý những doanh nghiệp bất động sản vì báo cáo tài chính thường dựa trên giá trị sổ sách, mà họ có thể tự định giá dự án để đưa ra ước tính doanh thu, lợi nhuận. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý những tập đoàn đa ngành nghề dạng holdings. Bởi những tập đoàn này thường không tập trung kinh doanh, chủ yếu là hợp nhất từ công ty con.
(3) Dòng tiền. Nhà đầu tư thường quá chú trọng vào doanh thu, lợi nhuận mà bỏ quên mất dòng tiền, thanh khoản của doanh nghiệp. Việc chú ý dòng tiền doanh nghiệp trên BCTC sẽ giúp nhà đầu tư né được một số doanh nghiệp yếu kém.