Đầu năm 2020, khi đại dịch đang làm tê liệt hoạt động thương mại toàn cầu, một công ty ở Pennsylvania, Mỹ gặp khó khăn khi vận chuyển các bộ phận thép thông thường của mình ra khỏi Trung Quốc. Thật may mắn, sau đó, công ty này tình cờ tìm được một lựa chọn khả thi khác – ở Ấn Độ.
Zetwerk, một công ty khởi nghiệp hai năm tuổi kết nối khách hàng và nhà sản xuất trong nước, chưa bao giờ xử lý đơn đặt hàng ở Mỹ mà chỉ khai thác mạng lưới các nhà cung cấp của mình và giao các bộ phận. Hiện tại, Zetwerk là nhà cung cấp mọi thứ từ bấm móng tay đến khung thép cho khách hàng Mỹ và được định giá 2,7 tỷ USD. Các nhà đầu tư vào startup này gồm cả Greenoaks Capital, Lightspeed India, Peak XV Partners và các đối tác khác.
Ấn Độ đang cố gắng thu hút một số công ty lớn nhất thế giới thành lập các nhà máy mới sau những căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc với phương Tây đã khiến nhiều công ty tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Chiến lược này được nhiều công ty gọi là “ Trung Quốc+1”.
Ngành đầu tư mạo hiểm ở Ấn Độ cũng đã nắm được tình hình. Các nhà đầu tư như Peak XV đã tuyên bố tách khỏi công ty Mỹ, và Lightspeed đang ngày càng cố gắng hỗ trợ những người sáng lập có hoạt động kinh doanh liên quan đến việc thúc đẩy xuất khẩu toàn cầu của Ấn Độ. Trước đây, họ tập trung vào các thế hệ công ty khởi nghiệp Ấn Độ chủ yếu nhắm vào thị trường tiêu dùng Ấn Độ.
Theo báo cáo của PwC Ấn Độ, các công ty khởi nghiệp thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, chẳng hạn như Zetwerk, đã chứng kiến hoạt động giao dịch gia tăng trong những năm gần đây. Theo dữ liệu từ Tracxn, nguồn tài trợ cho lĩnh vực đó cao hơn gấp ba lần vào năm 2021 và 2022 so với hai năm trước đó.
Mặc dù nguồn tài trợ của vốn đầu tư mạo hiểm đã chậm lại ở Ấn Độ vào năm 2023, giống như ở Mỹ và châu Âu, nhưng đầu tư giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp vẫn là một trong những lĩnh vực tài trợ chính ở Ấn Độ.
Rahul Taneja, đối tác của Lightspeed, công ty đã thực hiện khoảng ba khoản đầu tư tương tự vào Ấn Độ trong năm qua cho biết: “Những cú sốc về chuỗi cung ứng đe dọa đến tính mạng” đối với các doanh nghiệp toàn cầu đang bị đình trệ hoạt động trong thời kỳ đại dịch. “Những người sáng lập đã nhìn thấy xu hướng này đủ sớm và đặt câu hỏi: Tại sao tôi không nên tận dụng cơn gió thuận chiều này?’”
Không ai kỳ vọng Ấn Độ sẽ thay thế sự thống trị của Trung Quốc với tư cách là công xưởng toàn cầu. Ấn Độ gặp khó khăn trong việc mở rộng lĩnh vực sản xuất khi các công ty phải đối mặt với nhiều vấn đề bao gồm cơ sở hạ tầng yếu kém. Nhưng các biện pháp khuyến khích của chính phủ Ấn Độ cùng với những nỗ lực rộng lớn hơn để tìm nguồn nguyên liệu từ Ấn Độ – chẳng hạn như Walmart cho biết vào năm 2020 rằng họ có kế hoạch tăng gấp ba lần xuất khẩu từ Ấn Độ lên 10 tỷ USD vào năm 2027 – đã khiến đất nước này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu hàng sản xuất của Ấn Độ chỉ bằng 1/10 của Trung Quốc vào năm 2021, nhưng lại vượt qua tất cả các thị trường mới nổi khác, ngoại trừ Mexico và Việt Nam.
Các giám đốc điều hành cho biết, căng thẳng của Bắc Kinh với phương Tây đã tạo cơ hội cho các công ty Ấn Độ kết nối với các ngành cụ thể ở Mỹ và các thị trường khác, ngay cả khi họ không thể sánh ngang với mức giá mà các nhà cung cấp Trung Quốc có thể đưa ra.
Zetwerk, một công ty sản xuất theo hợp đồng, đã thử nghiệm khả năng cung cấp cho khách hàng toàn cầu với hợp đồng ban đầu trị giá 15.000 USD về ốc vít và các bộ phận khác cho công ty Pennsylvania. Theo đồng sáng lập Zetwerk, Amrit Acharya, họ có đơn đặt hàng từ khoảng 300 công ty Mỹ, một số trong số đó đã đến với công ty nhỏ ở miền nam Ấn Độ nhờ tìm kiếm của Google. Zetwerk cho biết khoảng 15% trong số 1,5 tỷ USD doanh thu hoạt động của công ty trong năm kết thúc vào tháng 3 đến từ các khách hàng Mỹ.
Tại hội thảo gần đây nhất của Peak XV dành cho những người sáng lập mới mà họ hỗ trợ, hơn một nửa trong số họ là những công ty xây dựng được thiết kế để xuất khẩu sản phẩm hoặc dịch vụ ra thế giới, trong khi 4 năm trước, giám đốc điều hành Rajan Anandan cho biết, chỉ có 10% lên kế hoạch cho điều đó.
Các nhà đầu tư và giám đốc điều hành cho biết một phần tiềm năng nằm ở mạng lưới các nhà máy vừa và nhỏ của Ấn Độ thường chuyên sản xuất một số sản phẩm cho khách hàng lớn Ấn Độ nhưng có nhiều công suất hơn mà họ không sử dụng thường xuyên. Taneja cho biết Lightspeed tính toán rằng công suất chưa được khai thác ở mức 25% đến 40% trong nhiều ngành, bao gồm khoảng 8 tỷ USD trong ngành may mặc và 20 tỷ USD trong lĩnh vực hóa chất.
Một công ty khởi nghiệp có tên Covvalent, đã ra mắt vào năm ngoái với số tiền tài trợ 4,3 triệu USD để giúp lấp đầy một lỗ hổng cụ thể mà Trung Quốc để lại. Một trong những người sáng lập công ty khởi nghiệp, vốn là một kỹ sư hóa học làm việc tại Thung lũng Silicon, đã gặp một người trong ngành sơn tại một sự kiện của cựu sinh viên năm 2021 phàn nàn về khả năng của anh ta trong việc lấy nguyên liệu cho màu xanh lam, xanh lá cây và các chất màu khác từ Trung Quốc.
Người sáng lập, Sandeep Singh, đã liên hệ với một người bạn học cũ ở Ấn Độ để hỏi thăm tình hình. Bạn cùng lớp, Arush Dhawan, người đã thành lập Covvalent cùng Singh cho biết: “Những nhà sản xuất nhỏ này có phòng thí nghiệm riêng, bộ phận R&D riêng và với một số giám sát có thể tạo ra sản phẩm tương đương”.
Các công ty đầu tư mạo hiểm đang đặt cược rằng một loạt công ty mới có thể bổ sung thêm một lớp kiểm tra chất lượng và lập kế hoạch hậu cần để giúp các nhà sản xuất nhỏ đáp ứng nhu cầu bên ngoài.
Shailesh Rao, người từng điều hành các hoạt động của Google tại Ấn Độ cho biết: “Rất nhiều công ty khởi nghiệp đang tiếp cận vấn đề này từ các góc độ khác nhau, cố gắng thúc đẩy làn sóng mà Ấn Độ đang chuẩn bị hướng tới định hướng xuất khẩu nhiều hơn và hội nhập chặt chẽ hơn với nền kinh tế toàn cầu”. Bản thân hoạt động kinh doanh quốc tế của Twitter, đồng thời hiện đang điều hành một công ty đầu tư mạo hiểm mới có tên Escape Velocity.
Ông cho biết, công ty đang huy động quỹ 100 triệu USD để đầu tư đặc biệt vào các công ty sản xuất, phần mềm và các công ty khác, đồng thời đã thực hiện 8 khoản đầu tư cho đến nay, bao gồm cả vào Covvalent.
Anand Datta, thuộc một trong những công ty đầu tư mạo hiểm nội địa lớn nhất Ấn Độ có tên Nexus, cho biết họ đã quyết định hỗ trợ một công ty khởi nghiệp sản xuất và thiết kế điện tử là Elecbits, và một công ty khởi nghiệp linh kiện ô tô Capgrid, sau khi chính phủ Ấn Độ hạn chế nhập khẩu tivi từ Trung Quốc và các sản phẩm khác, đồng thời áp thuế đối với các bộ phận ô tô.
Datta cho biết: “Hiện tại họ đang cung cấp cho thị trường Ấn Độ, nhưng họ sẽ sớm xuất khẩu”.
Dhawan của Covvalent cho biết trong chuyến đi bán hàng gần đây tới Mỹ, chủ đề số 1 trong tất cả các cuộc họp của ông là làm thế nào để tránh bị cuốn vào những rủi ro địa chính trị leo thang. “Sự cấp bách là điều quan trọng nhất, họ muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông nói.
Nguồn: WSJ