Loại quả ‘vàng treo trên cây’ của Việt Nam được Trung Quốc và Lào ráo riết săn lùng: Xuất khẩu tăng mạnh 120% trong 10 tháng, nước ta có sản lượng hàng chục nghìn tấn mỗi năm

Như Quỳnh | 22:14 22/11/2023

Kể từ đầu năm đến nay nước ta đã thu về hơn 17,6 triệu USD từ loại quả bán đầy chợ này.

Loại quả ‘vàng treo trên cây’ của Việt Nam được Trung Quốc và Lào ráo riết săn lùng: Xuất khẩu tăng mạnh 120% trong 10 tháng, nước ta có sản lượng hàng chục nghìn tấn mỗi năm
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu ớt của Việt Nam đạt 309 tấn với trị giá 0,7 triệu USD trong tháng 10, giảm 39,8% so với tháng 9. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu được 9.118 tấn ớt với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,6 triệu USD, tăng mạnh 120,1%.

Giá xuất khẩu đạt bình quân đạt 1.930 USD/tấn, giảm 25% so với năm trước nhưng sản lượng đã tăng gần gấp đôi so với cả năm 2022. Trung Quốc và Lào là 2 thị trường xuất khẩu chính của ớt Việt Nam với lần lượt 7.889 tấn và 903 tấn, tăng mạnh 152,2% và 168% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp xuất khẩu ớt chủ yếu của nước ta là NS Thái Bình, Khánh Hưng HG, Đông Chấn và Phúc Thịnh Hà Giang.

c1.png

Trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 4.904 tấn ớt với kim ngạch đạt 11,9 triệu USD.

Ớt là một loại quả được sử dụng làm gia vị phổ biến trong bữa ăn hàng ngày ở hầu khắp các nước trên thế giới, là một trong những loại gia vị mang lại sự giao thoa văn hóa nhiều nhất trên thế giới và được sử dụng dưới dạng quả tươi, quả khô, quả hun khói, bột ớt, ớt tương ớt, snack...

Vị cay của ớt kích thích người ăn, làm cho món ăn trở nên tròn vị hơn. Ngoài ra, ớt còn có nhiều tác dụng trong việc phòng và trị các bệnh như ung thư, huyết áp, mỡ máu..., do đó được sử dụng trong các lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm…

Năm 2020, sản lượng ớt của thế giới là khoảng 60 triệu tấn, bao gồm cả ớt cay, ớt chuông và ớt xanh. Châu Á hiện là khu vực sản xuất ớt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80% sản lượng toàn cầu. Thương mại ớt toàn cầu trị giá khoảng 35 tỷ USD mỗi năm, không kém các mặt hàng tiêu dùng chủ lực trên thế giới cà phê hoặc trà. Trung Quốc hiện là quốc gia đi đầu trong cả sản xuất và thương mại ớt tươi. Diện tích trồng ớt của Trung Quốc là hơn 1,3 triệu ha, chiếm 35% tổng diện tích trồng của thế giới. Ớt được sử dụng là một quả gia vị quan trọng trong các món ăn của Trung Quốc.

Còn tại Việt Nam, cây ớt ở Đồng Tháp và đặc biệt là ở huyện Thanh Bình được coi là “vựa ớt lớn nhất miền Tây”. Các xã vùng cù lao và các xã vùng ven sông Tiền là những khu vực tập trung nhiều diện tích trồng ớt và đạt hiệu quả của huyện Thanh Bình. Sản lượng ớt tươi hơn 22.500 tấn/năm. Theo thống kê, diện tích trồng ớt ở tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 2.000 ha/năm, năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha.

Bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng là một trong những vùng trồng ớt trọng điểm của nước ta. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn đánh giá vụ ớt này, diện tích trồng ớt trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.479ha, tăng 91ha so niên vụ năm 2022. Cây ớt được trồng chủ yếu ở các huyện: Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Quan...

Hiện nay, giá ớt trong nước đang tăng mạnh. Tại khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, giá ớt tại nhà vườn đang dao động 29.000 – 35.000 đồng/kg, tăng 66% so với thời điểm tháng 9/2023. Được biết, nguyên nhân giá ớt tăng mạnh so với vụ trước do đang vào mùa mưa bão, sản lượng thấp, chi phí sản xuất lại tăng cao. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ ớt ở các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc nhộn nhịp khiến cầu cao hơn cung, đẩy giá tăng.


(0) Bình luận
Loại quả ‘vàng treo trên cây’ của Việt Nam được Trung Quốc và Lào ráo riết săn lùng: Xuất khẩu tăng mạnh 120% trong 10 tháng, nước ta có sản lượng hàng chục nghìn tấn mỗi năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO