"Loài hoa trong truyền thuyết"
Trà hoa vàng là loài thực vật cổ, cực kỳ quý hiếm
Danh tác y học Bản thảo cương mục chép rằng: "Cây sơn trà sinh trưởng ở phương nam, cuối đông nở hoa, cánh đỏ, nhụy vàng, cũng có người nói có hoa màu vàng. Lá non của sơn trà có thể được xào ăn hoặc hấp sấy khô để uống".
Trước khi trà hoa vàng được phát hiện, người Trung Quốc chỉ thấy trà hoa đỏ, trắng hay đỏ trắng, còn sơn trà vàng chỉ có trong trí tưởng tượng của nhiều người.
Vào những năm 1960, giống trà hoa vàng trong truyền thuyết đã được các nhà thực vật học Trung Quốc phát hiện tại khu vực núi Thập Vạn Đại (Quảng Tây) và các nhà thực vật học đã đặt tên cho nó là Trà hoa vàng (Kim hoa trà). Kể từ đó, bức màn bí ẩn về loài "hoa tiên" đã được vén mở.
Năm 1984, trà hoa vàng được Trung Quốc đưa vào danh sách thực vật được bảo vệ cấp độ I quốc gia cùng với nhân sâm, ngân sam...
Sơn trà ngoài để làm cảnh thì đã được chứng minh là có tác dụng nhất định trong việc giảm mỡ máu và đường huyết, được đưa vào danh sách "Tiêu chuẩn chất lượng thuốc Choang của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Tập II)".
Theo thống kê, đại đa số sơn trà tự nhiên (trà rừng) trên thế giới phân bố ở khu vực thành phố Phòng Thành Cảng (Quảng Tây, Trung Quốc). Khu vực này cũng sở hữu nhiều giống sơn trà đứng đầu trong nước và thậm chí trên thế giới.
Loài hoa giúp người dân thoát nghèo
Kể từ năm 2011, quận Phòng Thành của thành phố Phòng Thành Cảng đã thực hiện các dự án phát triển các dự án trồng, nhân giống mở rộng ngành công nghiệp sản xuất hoa trà vàng.
Hoa trà vàng Phòng Thành đã đạt được chứng nhận sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý quốc gia. Thành phẩm hoa trà vàng Trung Quốc hiện gồm có trà sao, trà hoa, trà chế biến sâu (như nước uống, nước giải khát và các sản phẩm chăm sóc da), thậm chí tiệc hoa trà...
"Lá và hoa của hoa trà vàng có thể ăn được, có thể gọi thẳng là cây rung tiền sống", ông Đặng Tích Ký - một người trồng trà hoa vàng, cho biết ông đã trồng hơn 600 mẫu với sản lượng hàng năm khoảng 2,5 tấn hoa khô, trị giá hơn 20 triệu NDT.
Chính quyền quận Phòng Thành cũng đứng ra tạo liên kết trong chuỗi sản xuất cung ứng trà hoa vàng, đưa công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất.
"Trước đây tôi không hiểu về công nghệ chế biến nên thường sử dụng lò vi sóng để sấy khô, vì vậy tôi không thể bán thành phẩm với giá tốt", ông Đặng nói bây giờ ông không chỉ có cơ sở trồng trà hoa vàng mà còn có một nhà máy chế biến.
Tại nhà máy, hoa tươi được máy sấy khô trong hơn mười tiếng, cho ra thành phẩm hoa khô, có thể được bán với giá cao hơn.
Vào năm 2022, quận Phòng Thành sản xuất 75 tấn hoa tươi, 14 tấn hoa khô, 400 tấn lá tươi trị giá 260 triệu NDT.
Thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua
Nhờ giá trị dược liệu và kinh tế, trà hoa vàng rất được người Trung Quốc săn đón. Các thương lái Trung Quốc cũng thường sang Việt Nam thu mua trà hoa vàng.
Tại Việt Nam, trà hoa vàng sinh trưởng tập trung ở các địa phương phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ An...
Theo tờ Kinh tế Đô thị, tại huyện Ba Vì, Hà Nội đã ghi nhận tình trạng, thương lái Trung Quốc bao tiêu toàn bộ cả cây, hoa và lá của trà hoa vàng.
Người dân địa phương chia sẻ, ngoài mua hoa và lá thì thương lái Trung Quốc lùng hoa gốc hoa trà vàng quanh năm, bất kể cây lớn bé, thậm chí cây bị đào gốc, chặt rễ, bó lại như bó củi cũng mua.
Được biết, hoa trà vàng tươi sau khi nhập về Trung Quốc, được sấy khô sẽ có giá trung bình khoảng 150-170 triệu/kg, gấp 10 lần giá thu mua tại Việt Nam.