Đông trùng hạ thảo là một loại sản vật quý hiếm và vô cùng đắt đỏ. Nó thường có giá vài trăm triệu đến cả tỷ đồng một kg. Giá bán không ngừng tăng trong những năm gần đây. Vậy tại sao đông trùng hạ thảo lại đắt hơn cả vàng và liệu nó có thực sự tốt cho sức khỏe?
Đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu y học cổ truyền. Chúng chủ yếu được tìm thấy ở phía tây nam Trung Quốc, đặc biệt là trên cao nguyên Thanh Tạng (Thanh Hải – Tây Tạng) và Nepal.
Đông trùng có nghĩa là những con ấu trùng sống vào mùa đông, còn hạ thảo là loài cây cỏ phát triển vào mùa hè. Chính tên gọi đã thể hiện nguồn gốc của loại dược liệu quý này. Nó thực ra là "con lai" giữa ấu trùng bướm của loài Thitarodes và loài nấm ký sinh Cordyceps sinensis.
Vào mùa đông, bướm đẻ trứng. Sau khi trứng nở, ấu trùng sẽ vùi mình vào đất để hút chất dinh dưỡng từ rễ cây. Trong quá trình này, một vài con sâu non bị nhiễm nấm. Loài nấm kí sinh hút chất từ ấu trùng, dần dần xâm chiếm các mô tế bào và phát triển cho đến khi chiếm toàn bộ con sâu.
Cuối cùng, đến mùa hè, một nhánh nấm hình que dài sẽ mọc ra từ đầu con sâu để phát tán bào tử, chuẩn bị cho đợt đi săn ấu trùng mới.
Đông trùng hạ thảo thường được ví như “tiên dược” để chữa và hỗ trợ điều trị một số căn bệnh. Chúng có thể giúp nâng cao sức đề kháng, giảm mệt mỏi, chống lão hóa, tăng cường sức khỏe sinh lý, giảm nguy cơ mắc ung thư. Loại dược liệu này cũng được công nhận là tốt cho tim mạch, hệ hô hấp…
Chính vì công dụng quý báu của mình, đông trùng hạ thảo mang lại giá trị kinh tế cao. Chúng tạo nên một cơn sốt săn trùng thảo và mang lại sự giàu có cho nhiều cộng đồng dân cư.
Để đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng, người nông dân dành khoảng 4 tuần trong mùa xuân để tìm và thu hoạch đông trùng hạ thảo. Cầm cuốc cầm rìu trong tay, họ cặm cụi trên những sườn dốc đầy cỏ để tìm “nấm vàng”.
Những người thu hoạch nhổ toàn bộ phần nấm ký sinh và ấu trùng sâu bướm bên dưới. Trong một tháng, một người thu hoạch hiệu quả có thể kiếm đủ tiền để sống cả năm. Ở vùng nông thôn Tây Tạng, đông trùng hạ thảo đã chiếm ít nhất 40% thu nhập của người dân.
Những người du mục hiện đi xe gắn máy, sở hữu căn hộ trong thành phố, chu cấp đầy đủ cho con cái đi học và thậm chí thuê được nhân công làm việc và trả lương cho họ.
Ở tỉnh Vân Nam, doanh thu bán đông trùng hạ thảo chiếm 60-80% thu nhập hành năm của hộ gia đình. Số tiền đó họ đem đóng học phí cho con, mua thực phẩm, đồ gia dụng, xe cộ…
Tùy theo nguồn gốc xuất xứ, giá bán của đông trùng hạ thảo sẽ khác nhau. Loại trùng thảo tự nhiên ở cao nguyên Thanh Tạng, Tứ Xuyên (Trung Quốc) hoặc Nepal cực hiếm, có giá trị từ 1,2 đến 1,8 tỷ đồng/kg khô. Giá bán có thể chênh lệch đến vài chục triệu đồng là điều thường tình. Nếu để đem ra so sánh, đông trùng hạ thảo sẽ có giá khoảng 2.000 USD/ounce đắt hơn giá vàng hiện tại là khoảng 1.900 USD/ounce.
Trang China Cordyceps.com đã tiến hành khảo sát thị trường và công bố giá bán đông trùng hạ thảo trong năm 2022. Theo đó, một gam có giá khoảng 293-289 tệ, tương đương với khoảng 992 triệu – 1.3 tỷ đồng/kg khô. Đây là giá bán đối với loại trùng thảo đã được chọn lọc kỹ càng. Ngoài ra, giá có thể thay đổi nếu đông trùng hạ thảo bị gãy, hoặc tùy thuộc vào độ khô, chiều dài, màu sắc. Thế nên, giá bán thực tế cũng đa dạng hơn rất nhiều.
Ngoài ra, đông trùng hạ thảo Hàn Quốc cũng được nhiều người biết đến. Mức giá của chúng cũng mềm hơn so với đông trùng hạ thảo Tây Tạng, với khoảng 100 triệu đồng/kg tươi. Việt Nam cũng đã thành công trong việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo và giá bán dao động từ 4 triệu – 260 triệu đồng/kg tùy dạng sản phẩm.
Đông trùng hạ thảo là loại dược liệu quý từ tự nhiên, vì thế tình trạng khai thác tràn lan đang khiến chúng bị khan hiếm. Chưa kể, nhiều loại đông trùng hạ thảo kém chất lượng đội mác hàng tự nhiên và được bán với giá trên trời.
Tổng hợp