Lộ diện nhiều doanh nghiệp lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý 4

Hạ Anh | 10:53 03/02/2023

Hàng loạt doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ba chữ số trong quý 4/2022.

Lộ diện nhiều doanh nghiệp lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý 4

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022 hé lộ nhiều gam màu xám trong bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp. Theo khảo sát, số lượng doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm áp đảo hơn so với các quý trước. Nguyên nhân chủ yếu kéo lùi tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp vẫn là do môi trường lãi suất cao đi kèm với cầu tiêu dùng trong và ngoài nước suy giảm.

Tuy vậy, trong bức tranh ảm đạm vẫn xuất hiện những gam màu sáng. Thống kê những doanh nghiệp có vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng, có 2 doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng trên 3.000%, số còn lại cũng có mức tăng trưởng ấn tượng.

Các doanh nghiệp có mức tăng trưởng đột biến chủ yếu thuộc những ngành phục hồi tốt sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid như hàng không, bán lẻ, thực phẩm đồ uống,...

“Quán quân” tăng trưởng lợi nhuận tính đến thời điểm này thuộc về Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN) với lợi nhuận sau thuế quý 4 đạt 52 tỷ đồng, gấp 40 lần so với cùng kỳ.

Theo Habeco, nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý 4 là do sự phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid. Mặt khác, doanh nghiệp cũng thực hiện nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của việc tăng chi phí đầu vào.

Kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý này giúp Habeco bão lãi sau thuế đạt 527 tỷ đồng trong cả năm 2022, tăng 63% so với cùng kỳ. Như vậy, kết thúc năm 2022, Habeco đã vượt 27% mục tiêu về doanh thu và vượt 138% kế hoạch lợi nhuận.

Không hề kém cạnh, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO - mã SAS) do “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch HĐQT cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng.

Theo đó, doanh thu quý 4/2022 của SAS tăng gấp 9 lần lên 559 tỷ đồng. Chi phí giá vốn tăng chậm giúp lợi nhuận gộp tăng 12,5 lần lên 303 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 54,15%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế công ty đạt 89 tỷ đồng, gấp 32 lần cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2022, SASCO ghi nhận lợi nhuận sau thuế cả năm tăng mạnh lên mức 210 tỷ đồng, trong khi năm ngoái chỉ lãi 3 tỷ đồng.

SASCO cho biết, lợi nhuận trong kỳ tăng cao do hoạt động kinh doanh tại nhà ga Tân Sơn Nhất đã dần phục hồi, so với cùng kỳ năm trước sản lượng hành khách đi và đến tại nhà ga quốc nội và quốc tế đều tăng mạnh.

Song hành cùng kết quả kinh doanh ấn tượng, cổ phiếu SAS cũng bứt phá khá mạnh mẽ. Tính chung 3 tháng gần nhất, cổ phiếu dịch vụ sân bay này đã bứt phá đến 50% giá trị.

“Ông lớn” ngành bán lẻ CTCP Vincom Retail (mã VRE) cũng xuất sắc lọt top tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý 4. Cụ thể, VRE ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.084 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.

Đóng góp cho đà bứt tốc ngoạn mục của doanh thu là hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư (cụ thể là kinh doanh trung tâm thương mại) đóng góp chính với 1.906 tỷ đồng. Với kết quả này, Vincom Retail ghi nhận 791 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý 4, tăng hơn 549% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2022 Vincom Retail ghi nhận lãi sau thuế đạt 2.736 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 108% so với cùng kỳ và và vượt 14% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Với vị thế dẫn đầu, SSI Reseach dự báo đến năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế cổ đông mẹ của VRE lần lượt đạt 9.000 tỷ đồng và 3.100 tỷ đồng, tăng 24% và 35% so với cùng kỳ. Động lực đến từ các trung tâm thương mại mở mới giai đoạn 2022 – 2023 thúc đẩy doanh thu cho thuê và hoạt động bán shophouse, doanh thu bán bất động sản phục hồi mạnh vào năm 2023.

Phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (mã ACV) cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.109 tỷ đồng, gấp 4,3 lần mức nền thấp của cùng kỳ năm trước. Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế tăng gấp 4,3 lần lên mức 1.286 tỷ đồng.

Không chỉ có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, ACV tiếp tục lọt top “đại gia” nắm giữ nhiều tiền mặt khi có gần gần 33.000 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngắn hạn tại cuối năm 2022. Các khoản tiền gửi đã mang về gần 1.617 tỷ đồng tiền lãi cho ACV trong năm 2022.

Đại diện ngành dầu khí là CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC – mã PVS) cũng có lợi nhuận bứt phá mạnh khi lãi sau thuế tăng 86% lên 325 tỷ đồng trong quý 4. Đây là mức lãi cao nhất trong 15 quý kể từ quý 1/2019.

Lũy kế cả năm 2022, PVS ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.412,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 834,3 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 15% và 11% so với thực hiện năm 2021. Với kết quả trên, PVS đã vượt 71% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trên thị trường, cổ phiếu PVS có nhịp tăng khá mạnh từ đáy hồi giữa tháng 11. Cổ phiếu này hiện đang giao dịch quanh 24.000 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng 33% sau 3 tháng. Dù vậy, mức thị giá này vẫn còn thấp hơn gần 38% so với đỉnh đạt được vào đầu tháng 3 năm ngoái.


(0) Bình luận
Lộ diện nhiều doanh nghiệp lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO